Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn
Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã sẵn sàng. Năm học này, Hà Nội có 2.9 trường với gần 2 triệu học sinh.
Lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức thống nhất trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu từ 7h30 sáng 5/9. Ông Hoàng Hữu Trung, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Hà Nội cho biết: Lễ khai giảng chú trọng đến việc đón học sinh đầu cấp, trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Đối với học sinh mầm non tổ chức khai giảng dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé" linh hoạt, sáng tạo với thời lượng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, tạo ấn tượng cho trẻ ngày đầu tiên đến trường.
Ghi nhận tại trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, Hà Nội), hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới đã gần như hoàn chỉnh, các hoạt động cho Lễ Khai giảng cũng đã sẵn sàng.
Cô Đặng Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Lễ khai giảng năm học mới 2018- 2019 năm nay, nhà trường vẫn tổ chức theo quy định chung với hình thức ngắn gọn, trang nghiêm, đầy đủ trong khung giờ từ 7h30 và kết thúc trước 8h30 ngày 5/9. Nhà trường cũng đang hoàn thiện việc tập luyện các nghi lễ, các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian để lễ khai giảng là ngày hội đến trường của các em”.
Cũng theo cô Hải, năm học này, nhà trường tuyển sinh 252 học sinh đầu cấp, tổng số học sinh của nhà trường là 930 em trên tổng số 22 lớp; trong đó có 10 lớp học song ngữ Anh- Nhật. Hiện số phòng học, cơ sở vật chất của nhà trường hoàn toàn đáp ứng đủ với số lượng học sinh. Để có môi trường tốt nhất cho các em học sinh bước vào năm học mới, công tác chuẩn bị đã được bắt đầu từ trong hè.
Còn trường tiểu học An Hòa (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) mới được thành lập từ năm 2017. Năm học 2018-2019, trường tuyển sinh 300 học sinh lớp 1. Do địa bàn có tới 3 trường tiểu học nên số học sinh được rải đều và được phân tuyến tuyển sinh từ một số tổ của Dịch Vọng, Quan Hoa với sĩ số 40 học sinh/lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, từ tháng 8, học sinh đã được làm quen với lớp, với cô và được tập hát các bài dân ca, dân vũ tạo sự hứng khởi cho năm học mới.
Phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường theo kế hoạch của Sở GD - ĐT. Cụ thể công tác chuẩn bị diễn ra từ 7h-7h30; lễ khai giảng diễn ra từ 7h30 đến 8h30 gồm chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường.
Ông Hoàng Hữu Trung cũng cho biết: Các trường tiếp tục giáo dục, tuyên truyền về lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca để cán bộ giáo viên, học sinh nhận thức rõ, đầy đủ về tình yêu Tổ quốc, tự hào dân tộc. Đối với đồng phục học sinh, các trường thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi và văn hóa địa phương. Các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
Đáp ứng cơ sở vật chất và giáo viên
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, chuẩn bị cho năm học mới, các quận, huyện, thị xã đã xây mới được 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới) bổ sung thêm 1.579 phòng học. Toàn thành phố cũng đa cải tạo, sửa chữa được 7 trường học các cấp.
"Bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý và giáo viên các ngành học, cấp học được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy trước khi vào năm học mới. Ngành GD-ĐT đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để có được đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của năm học mới 2018-2019", ông Hoàng Hữu Trung cho biết.
Đối với khu vực đang đô thị hóa nhanh, việc hoàn thiện cơ sở vật chất cũng đã được chính quyền các cấp quan tâm. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Trước năm học mới, quận đã chỉ đạo các phòng ban tiến hành rà soát cơ sở vật chất các trường. Theo thống kê, năm học này, học sinh vào lớp 1 tại địa bàn tăng 1.000 học sinh và lớp 6 tăng khoảng 800 học sinh so với năm học trước. Các trường trên địa bàn đã cải tạo, lập thêm 33 phòng học cấp tiểu học và 23 phòng học cấp THCS. Đến nay, tất cả học sinh đều được bố trí nhận đủ vào các lớp học trên địa bàn.
Về nguồn giáo viên, để chuẩn bị cho năm học 2018-2019, quận Cầu Giấy phối hợp với các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủ đô tìm kím nguồn giáo viên dạy bổ sung cho các trường. "Dịp bế giảng tại các trường, phòng GD ĐT Cầu Giấy có vào dự lễ bế giảng tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đồng thời được các trường giới thiệu nên đã tuyển chọn được 65 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi để phân bổ về các trường, đảm bảo đủ số lượng giáo viên đứng lớp". ông Phạm Ngọc Anh chia sẻ.
Nói về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, cô Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: Nhà trường có tổng số khoảng 2.500 học sinh. Từ tháng 7, nhà trường đã rà soát lại một loạt cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập từ các tổ bộ môn, giường bán trú, nhà vệ sinh để đầu tư, sửa chữa ngay trong dịp hè.
Về giáo viên, đề bù đắp sự thiếu hụt 2 giáo viên, trường THCS Nghĩa Tân cũng đã tiếp nhận một sinh viên tiếng Anh vừa tốt nghiệp loại xuất sắc năm học vừa qua. "Qua dự giờ cho thấy giáo viên này tiếp cận nhanh với công việc, trình độ chuyên môn tốt, gắn với thực tiễn của trường học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đề xuất với phòng GD ĐT nhận giáo viên từ các nơi khác chuyển đến với điều kiện là giáo viên giởi cấp quận huyện trở lên", cô Nguyễn Mỹ Hảo chia sẻ.
Trong khi đó, đối với các trường thuộc khu vực bị ngập lụt vừa qua như tại địa bàn huyện Chương Mỹ và Quốc Oai nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng với. Sở GD-ĐT và các đơn vị hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng. Tại cuộc giao ban báo chí thành ủy Hà Nội mới đây, lãnh đạo phòng GĐ-ĐT huyện Chương Mỹ khẳng định các trường học ở vùng ngập lụt của Hà Nội cũng đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Việc hỗ trợ từ nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố thông qua các chương trình ủng hộ, quyên góp trang thiết bị, bàn ghế, đồ dùng học tập, quần áo... đã giúp thầy, trò các trường học bị thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định hoạt động dạy và học.
Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trong năm học 2018 – 2019, Sở sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại; đẩy mạnh việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.Trong dịp hè 2018, hơn 87.800 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng, trang bị kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy trước khi bước vào năm học mới. Sở xác định nhu cầu đào tạo giáo viên theo từng cấp học, môn học để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ phục vụ cho việc dạy chương trình sách giáo khoa phổ thông mới trong thời gian tới.
“Hà Nội cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất tương ứng với sự gia tăng của số học sinh. Tuy nhiên có một thực tế là việc phân bố các trường học không đều khiến có trường sĩ số đông. Do đó, Sở GD –ĐT Hà Nội tiến hành rà soát lại quy hoạch đến tận xã, phường, xác định rõ phường nào thiếu trường, lớp và có xác nhận của lãnh đạo UBND 30 quận huyện. Trên cơ sở rà soát này, Sở GD – ĐT sẽ báo cáo UBND thành phố trình HĐND điều chỉnh quy hoạch bổ sung trường học, phòng học và phân kỳ đầu tư", ông Lê Ngọc Quang cho biết.