Trong khi phụ huynh đang mang nhiều tâm trạng: mừng, lo, hoang mang trước thông tin năm nay sẽ “cấm thi tuyển lớp 6”, nhà trường chưa có phương án thay thế, thì Sở GD - ĐT Hà Nội vẫn “án binh bất động”. Trong hai ngày qua, Bộ GD - ĐT liên tục đưa ra hai công văn nhằm khẳng định lệnh cấm này. Vẫn chưa có giải phápTuần qua, các trường THCS tại Hà Nội “nóng” với câu hỏi: “Sẽ thay phương án thi bằng phương án gì?”. Lãnh đạo nhiều trường từ chối gặp phóng viên và chỉ trả lời ngắn gọn: “Chờ hướng dẫn của Sở GD - ĐT”.
Hàng năm, sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội được ví ngang với kỳ thi đại học, cao đẳng. Ảnh: Hà Nội-Amterdam |
Trước sức ép này, Sở tiếp tục đề nghị Bộ GD - ĐT hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với các trường THCS có số lượng học sinh đăng ký vào học vượt hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Cho đến ngày 19/3, Sở GD - ĐT Hà Nội vẫn chưa có phương án cụ thể để hướng dẫn các trường về việc này. Sáng 19/3, Bộ GD - ĐT lại tiếp tục có công văn chỉ đạo cấm tuyệt đối việc thi vào lớp 6.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Lựa chọn hình thức khác tuyển sinh như thế nào là nhà trường xây dựng phương án, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương quyết định, nhất thiết không phải là kiểm tra kiến thức ở tiểu học. Các cơ sở giáo dục THCS dù công lập hay ngoài công lập đều được thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương, do cơ quan quản lý giáo dục địa phương phê duyệt kế hoạch tuyển sinh hàng năm, trước hết đảm bảo nhiệm vụ phổ cập; bao nhiêu lớp, bao nhiêu chỉ tiêu cũng phụ thuộc vào năng lực đáp ứng của nhà trường. Do vậy, để bảo đảm giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở tiểu học thì tất cả các cơ sở này đều không được thi tuyển sinh vào lớp 6”.
Trước đó, trong công văn ký chiều ngày 17/3 gửi các sở GD - ĐT, chỉ đạo về việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 chỉ nêu chung chung: “THCS là cấp học phổ cập đối với thanh, thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi chưa tốt nghiệp THCS. Việc tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục phải đảm bảo thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục THCS trên từng địa bàn, tuyển sinh đủ chỉ tiêu theo kế hoạch, không vượt quá quy định về sĩ số học sinh trên lớp và số lớp so với khả năng đáp ứng của nhà trường về tỷ lệ giáo viên trên học sinh, điều kiện phòng học...”. Như vậy vẫn chưa có “hướng” nào được đưa ra.
Trao đổi với PV báo Tin Tức, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh nhất trí với chủ trương mà Bộ GD - ĐT đưa ra, nhưng khẳng định đến nay, trường vẫn chưa có phương án nào thay thế. “Chúng tôi đã nghĩ đến thay hình thức thi tuyển bằng kiểm tra IQ hay EQ, nhưng để thực hiện việc này rất phức tạp. Hoặc là dựa vào học bạ, nhưng sẽ rất khó. Bởi ở bậc tiểu học giờ chỉ còn hai mức đánh giá: Đạt và không đạt, những chỉ số không hề chi tiết và học sinh đạt chiếm gần như 100%”.
Còn lãnh đạo trường Marie Curie cho biết, nếu như quy định của Bộ GD - ĐT là cấm thi và bậc THCS là bậc phổ cập, thì trường không thể đủ chỗ học để nhận học sinh. Nhà trường đã dừng phát hồ sơ đăng ký thi và hoãn kỳ thi vào đầu cấp, nhưng chưa có hướng giải quyết bài toán tuyển sinh lớp 6.
Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là một trong những trường có số lượng học sinh đăng ký “khủng” nhất hiện nay (như năm 2014 là 4.150 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu chỉ là 200 học sinh), cũng chưa có phương án thay thế.
Nơi mừng, nơi loNgày 3/11/2014, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã ban hành Chỉ thị số 5105 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó yêu cầu "không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6".
Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận từng khẳng định: “Về nguyên tắc không được thi để chọn vào lớp 6, vì đây là cấp học phổ cập. Nếu tổ chức bài thi, luyện thi thì dẫn đến một loạt hệ quả và không đúng với chủ trương phổ cập. Nếu thi hay kiểm tra học lực để tuyển vào thì chính chúng ta gây nên tình trạng dạy thêm, học thêm, chứ không phải các cháu và cha mẹ các cháu”.
Đến nay, trước thềm tuyển sinh đầu cấp 2015, vấn đề này tiếp tục trở thành chủ điểm của học sinh cuối cấp tiểu học và trường THCS. Đặc biệt là phụ huynh - những người dường như là chủ điểm chính cho việc hối thúc con em học thêm, ôn luyện để có “tấm vé” vào trường “top” ở Hà Nội.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn: “Nếu không bằng hình thức thi tuyển thì sẽ bằng hình thức gì?”. Đa số đều khó dự đoán được phương án cụ thể nhưng một số cho rằng “nếu không thi chắc chắn sẽ có tiêu cực, bởi lâu nay, hình thức thi tuyển vẫn được xem là công minh nhất so với các hình thức khác”.
Chị Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thông tin cấm thi tuyển vào lớp 6 tôi đã được đọc từ đầu năm học. Cũng bày tỏ sự nghi ngại này với một số phụ huynh của con nhưng chúng tôi vẫn thống nhất cho con ôn luyện. Lâu nay, để được vào những trường như THCS Hà Nội - Amsterdam, THCS Lương Thế Vinh, THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội)… là một cuộc đua không kém sức nóng của kỳ thi đại học.
Đây được xem là những trường có chất lượng đào tạo tốt nhất ở Hà Nội hiện nay. Số lượng đăng ký vào thường gấp 10 lần, 20 lần, thậm chí, gần 30 lần so với chỉ tiêu. Dù không thi tuyển nhưng chắc hẳn nhà trường phải có một hình thức nào đó kiểm tra kiến thức để lọc đầu vào. Do vậy, việc ôn luyện là không thừa”.
Ngược lại với những lo lắng của chị Hà, một nhóm phụ huynh lại cảm thấy thoải mái khi biết thông tin này. Anh Nguyễn Hoàng Minh (phường Phúc Tân, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi như trút bỏ được gánh nặng trên vai mình và cả con gái. Ít nhất, áp lực học hành sẽ giảm đi rất nhiều. Và bằng hình thức nào đó mà không phải thi tuyển như mọi năm, con gái tôi được hưởng một niềm vui thay vì sự lo lắng, thậm chí là một cú sốc đầu đời”.
Còn chị Minh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu nổi sự hoang mang: “Liệu không thi thì có tiêu cực? Tôi cũng chả có tiền mà chạy suất, không có mối quan hệ ngoại giao, chỉ bằng năng lực của cháu. Vậy hình thức nào đảm bảo công bằng? Trong khi nhu cầu vào học những trường này thường cao gấp nhiều lần chỉ tiêu. Thực tế, phân biệt giữa chất lượng trường này và trường kia là có thực. Nhưng cách làm của ngành hiện nay vẫn còn cứng nhắc. Chất lượng giáo dục đã đồng đều đâu mà “cào bằng” trong đầu vào?”.
Lê Vân