Cần định “chuẩn” hội thi giáo viên giỏi

Mới đây, một chuyên gia giáo dục của ĐH Sư phạm Hà Nội đã nêu những quan điểm của mình về việc không ủng hộ cách tiến hành thi giáo viên giỏi hiện nay. Hàng nghìn ý kiến trên mạng internet đã đồng tình nhưng cũng có ý kiến không đồng tình với quan điểm này.

Lấy “đầu ra” làm chuẩn?

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, những lý do nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi gồm: Giáo viên chưa sáng tạo, đánh giá qua một tiết dạy là thiếu khách quan, giáo viên dạy trước cho học sinh, cách làm này còn thiếu tính khoa học và thiếu tiết kiệm.

Giáo viên bốc thăm các câu hỏi tình huống giáo dục trẻ tại Hội thi giáo viên dạy giỏi trường mầm non Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Trường Mầm non Yên Hòa


PGS.TS Hợp đề xuất, nếu ngành giáo dục vẫn muốn "làm" danh hiệu "giáo viên giỏi" thì phải có cách làm khác bảo đảm khách quan. Đó là, cần lấy sự tiến bộ, phát triển của học sinh sau một thời gian nhất định (một năm học...) làm thước đo giáo viên: Sự chênh lệch đó (tích cực) càng lớn thì chứng tỏ giáo viên đó càng giỏi.

PGS.TS Hợp cũng băn khoăn, rằng những đề xuất của mình có tính khả thi rất thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn nữa, hiện nay đã có "Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học" rồi, vậy thì hãy đánh giá giáo viên tiểu học theo những chuẩn do Bộ GD - ĐT quy định.

Trên các trang mạng xã hội, hàng nghìn ý kiến đồng tình với quan điểm này của PGS.TS Hợp, một giáo viên ở Long An cho rằng nên đánh giá chất lượng đầu ra. Tức là học sinh của lớp đó sau mỗi năm học. Sản phẩm cuối cùng của giáo dục là chất lượng của những người học. Chứ không phải chỉ 1, 2 tiết kiểm tra. Hướng này chưa đánh giá đúng năng lực của giáo viên.

Một giáo viên dạy Anh văn ở Ninh Bình chia sẻ, vừa khai giảng xong thì giáo viên sẽ chuẩn bị cho thi giáo viên dạy giỏi. Thông thường cuộc thi thường diễn ra với các nội dung như: kiểm tra năng lực (lí thuyết), hai tiết thực giảng (thực hành) và một sáng kiến kinh nghiệm. Nhưng tôi thấy không nên có những câu hỏi mang tính ghi nhớ (đọc thuộc) rất nhàm chán. Điều đó chỉ làm cho giáo viên trở nên nặng nề hơn khi mỗi cuộc thi đến. Thậm chí, có giáo viên xin không thi giáo viên dạy giỏi để có thời gian cho gia đình, bởi việc giảng dạy đã chiếm quá nhiều thời gian. Bản thân giáo viên này cũng nhìn nhận, cuộc thi có phần hình thức và chưa thể đáp ứng được những quy định về điều lệ thi giáo viên dạy giỏi mà Bộ GD-ĐT ban hành.

“Tôi nghĩ, đánh giá một nhà giáo giỏi hay không thể hiện ở chính sản phẩm là học trò. Thực tế, phụ huynh, học sinh lâu nay chỉ quan tâm giáo viên nào dạy giỏi ở việc những lứa học trò đó đỗ đại học, học ở đâu, ra làm việc như thế nào. Còn danh hiệu giáo viên dạy giỏi phần đa chỉ biết là danh hiệu được đánh giá chứ không mấy ai biết về quy trình đạt được danh hiệu ấy ra sao”, vị giáo viên này nhấn mạnh.

Sớm có điều chỉnh phù hợp

Chia sẻ về thực trạng này, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, trường Quốc tế Wellspring (Hà Nội) cho rằng, thi giáo viên giỏi ở mỗi tỉnh, thành chọn một hình thức khác nhau nhưng đều hướng tới công bằng, tránh tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi còn hình thức, chưa phản ánh được hết năng lực giáo viên, cần phải thay đổi. Tuy nhiên, hướng đổi mới như thế nào cần phải bàn.

Theo Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, để có được danh hiệu giỏi, đặc biệt là ở cấp thành phố hết sức vất vả. Nhà trường ưu tiên các sáng kiến kinh nghiệm dựa trên điều kiện của mỗi cá nhân, mỗi nhà trường. Đây là những điều giáo viên phải qua thực tế trải nghiệm mới có được sáng kiến. Nếu có nội dung trùng nhau và copy ở internet sẽ bị loại ngay lập tức. Ở một số nơi, trường hợp chưa chính xác cũng chỉ ở cấp trường, cấp quận, huyện mà thôi. Việc thi giáo viên dạy giỏi phải qua nhiều cấp, qua nhiều lựa chọn: tổ chuyên môn, cấp trường, cấp quận, cụm trường. Người giáo viên phải có trách nhiệm giữ danh hiệu trước đồng nghiệp và học trò của mình.

Nhà giáo ưu tú Lưu Xuân Giới, Trưởng phòng GD-ĐT Đông Triều, Quảng Ninh cho biết, nghề giáo viên đòi hỏi phải xử lý rất nhiều tình huống sư phạm trong mỗi tiết dạy. Nếu không có bản lĩnh, kinh nghiệm và sự khéo léo thì không thể hoàn thành bài giảng xuất sắc được. Vì vậy, đánh giá qua tiết dạy là không có gì bàn cãi. Để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi hay có những công nhận danh hiệu địa phương tôi phải làm rất vất vả. Sau mỗi vòng thi thì hội đồng đều công bố kết quả ngay và có thời gian chờ phúc khảo. Sau đó mới có công nhận chính thức. Do đó, không nên bỏ cuộc thi này.

Một số nhà giáo ưu tú cho rằng, nếu cuộc thi không thực chất như nhiều ý kiến phản ánh thì cần phải xem lại định hướng và thực tế thi tại cơ sở. Bộ GD-ĐT cần phải xử lý nghiêm nếu có trường hợp đó xảy ra. Đó mới là cái đáng bàn và đáng làm. Đồng thời, không phải vì những ý kiến như vậy mà bỏ Hội thi là không nên bởi sẽ phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của những giáo viên thực chất.

Bộ GD - ĐT cho biết, theo quy định của Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp phổ thông và giáo dục thường xuyên thì mục đích của Hội thi này là tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông, giáo viên dạy giỏi Chương trình giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy; tổ chức lớp học; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên. Đồng thời, góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học và sáng tạo. Qua hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến và sớm có những điều chỉnh phù hợp với thực tế của hội thi giáo viên dạy giỏi, giữ đúng định hướng ban đầu mà Bộ GD-ĐT đã nêu ra.

Hồng Lê

Khi các giáo viên tiểu học tự tin viết sách giáo khoa
Khi các giáo viên tiểu học tự tin viết sách giáo khoa

Ở các ngôi trường tiểu học thuộc diện khó khăn nhất của cả nước có những tập thể giáo viên đã âm thầm viết giáo trình, đề cương bài giảng mà không cần suy tính ai sẽ trả tiền cho các bộ sách này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN