Con đã tựu trường nhưng vẫn chưa mua được sách cho con, chị Đinh Thị Hằng (huyện Bình Chánh) không nghĩ một loại sách phổ biến như sách giáo khoa lại trở nên khan hiếm trên thị trường. Lần đầu có con vào lớp 1, chưa có kinh nghiệm, chị Hằng chờ đến ngày tựu trường, cô giáo hướng dẫn mua những sách gì cho con chị mới tìm mua.Thế nhưng, chị đi khắp các nhà sách không tìm được sách cho con.
Sốt ruột, chị Hằng còn nhờ cả người nhà ở địa phương khác mua giúp nhưng cũng trong tình trạng tương tự. Được giới thiệu đến một trong những cửa hàng thuộc hệ thống Sách Giáo dục Việt Nam trên đường Nguyễn Văn Cừ (Quận 5), tranh thủ giờ nghỉ trưa ở cơ quan, chị Hằng lại chạy đôn đáo tìm mua nhưng đến đây lại đúng giờ nghỉ trưa, chiều cửa hàng mới bán lại.
Quá mệt mỏi, chị tìm kiếm các trang web bán sách nhưng đều không có sẵn hàng. Được đặt hàng nhưng chị phải chờ 4 - 5 ngày sau mới có sách. "Cũng may, hiện tại con vẫn đang giai đoạn sinh hoạt để làm quen với trường, lớp chứ chưa chính thức vào học, không ngờ năm nay sách giáo khoa lớp 1 lại khó mua như vậy"- Chị Hằng nói
Tương tự, đi mòn chân qua nhiều cửa hàng sách lớn nhỏ, chị Nguyễn Thị Phương (quận Thủ Đức) vẫn không mua được đủ bộ sách cho con. Không chủ quan, trước đó từ rất sớm, chị đã đặt sách cho con gái học lớp 3 và con trai vào lớp 1 nhưng đến nay vẫn chưa có sách lớp 1. Chị Phương chia sẻ: “Những ngày qua, tôi đã đi cả chục nhà sách lớn nhỏ, lên cả chục trang web nhưng nhận được câu trả lời không có sách cho con vào lớp 1. Tôi phải đến từng nhà sách gom quyển sách lẻ, dù chưa đủ bộ nhưng cũng yên tâm được phần nào”.
Ghi nhận tại nhiều nhà sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, dù không trong tình trạng hết hàng như sách giáo khoa lớp 1 nhưng các lớp đầu cấp 6 và 10 cũng khá “khan” hàng, nhất là sách bộ, hiện tại chủ yếu còn sách lẻ, học sinh và phụ huynh phải gom ở nhiều cửa hàng mới có thể mua được đủ bộ. Tại các nhà sách trên địa bàn thành phố, lượng phụ huynh đến hỏi mua sách vẫn còn khá nhiều. Không chỉ tìm mua sách, khách đến mua đồ dùng học tập đông cũng khiến các nhà sách này quá tải, khách hàng xếp hàng dài chờ tới lượt tính tiền.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc thiếu sách giáo khoa trên thị trường những ngày qua chỉ là thiếu cục bộ, cụ thể là thiếu một số sách ở các lớp đầu cấp, chủ yếu là lớp 1. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Đỗ Thành Lâm cho rằng, trước thông tin sẽ thay sách giáo khoa lớp 1 vào năm học 2019-2020, các nhà sách đối tác e ngại nhập số lượng lớn sợ tồn kho năm sau sẽ không bán được. Thực tế, điều này không đơn vị nào có thể can thiệp hoặc có điều kiện ràng buộc được các nhà sách.
Để giải quyết tình trạng trên, Nhà Xuất bản tăng cường kiểm tra tình hình thị trường để có kế hoạch cung ứng đầy đủ sách theo nhu cầu, điều chuyển, cân đối sách giữa nơi thừa, nơi thiếu để phục vụ kịp thời nhu cầu phụ huynh học sinh. Cùng với đó, các cửa hàng sách giáo dục thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức bán lẻ để phục vụ nhu cầu của phụ huynh. “Nếu các địa phương, đơn vị không đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường để xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục sẽ tìm thêm đối tác để tăng cường phát hành cung ứng đủ cho học sinh” – ông Đỗ Thành Lâm chia sẻ.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đó, để chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra và tham khảo số học sinh tăng để in đủ nhu cầu. Cụ thể, Nhà xuất bản Giáo dục tại thành phố in và phát hành 40 triệu bản sách giáo khoa các cấp lớp để cung cấp cho 17 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã phát hành là 12 triệu bản sách giáo khoa; riêng sách lớp 1, có 1,1 triệu bản sách giáo khoa và 1,2 triệu bản sách bài tập lớp 1, tăng 30% so với năm trước.
Tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ vào đầu mỗi năm nhiều năm qua vẫn xảy ra, tuy nhiên năm nay số lượng học sinh tăng nhiều nên nhu cầu càng lên cao, thiếu sách ở các nhà sách trở nên phổ biến hơn. Nhà xuất bản Giáo dục tại thành phố nhận định, điều này là do một số phụ huynh và học sinh có tâm lý chờ nhà trường, giáo viên hướng dẫn mua những loại sách nào mới đi mua sách. Từ đó tạo ra hiện tượng “sốt” sách vào những ngày khai giảng.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua tình hình và số lượng phát hành sách giáo khoa trên địa bàn có thể nhận thấy hầu hết phụ huynh và học sinh đã mua sách giáo khoa để chuẩn bị khai giảng năm học mới. Hiện chỉ còn một số ít chưa mua hoặc mua chưa đủ bộ. “Nếu có nhu cầu, phụ huynh có thể mua tại hệ thống Cửa hàng Sách Giáo dục Việt Nam tại các địa chỉ: 231 Nguyễn Văn Cừ, 240 Trần Bình Trọng và 223 Nguyễn Tri Phương (Quận 5); 122 Phan Văn Trị, 261C Lê Quang Định và 116 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh). Chúng tôi đảm bảo có đầy đủ sách giáo khoa để cung ứng cho học sinh" - ông Đỗ Thành Lâm khẳng định.
Trong khi các nhà sách lớn, cửa hàng nhỏ đều trong tình trạng hết sách giáo khoa lớp 1, tại hệ thống Cửa hàng Sách Giáo dục Việt Nam có đầy đủ sách giáo khoa cả bộ hoặc bán lẻ nhưng ít phụ huynh biết đến. Ông Đỗ Thành Lâm thừa nhận: Đây là một hạn chế của chúng tôi khi chưa truyền thông rộng rãi để đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ huynh”.