Homeschooling (giáo dục tại nhà) đang phát triển như một xu hướng tất yếu khi một bộ phận phụ huynh chưa thực sự đặt niềm tin vào giáo dục hiện hành. Với hình thức còn khá mới mẻ này, phụ huynh vẫn rất cần nhìn nhận những mặt được, chưa được mà hình thức này mang lại để có những lựa chọn xác đáng cho con cái mình.
Vì sao phụ huynh chọn homeschooling?
TS Vũ Thu Hương, khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự chọn lựa kiểu giáo dục homeschooling cho thấy việc khủng hoảng lòng tin trầm trọng trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên phương pháp giáo dục này chưa thực sự phù hợp với Việt Nam vì để thực hiện homeschooling, cha mẹ cần có những đầu tư rất đặc biệt cho trẻ nhỏ (thời gian của cha mẹ, chương trình học, tạo môi trường giao lưu, gia sư khi cần thiết…- PV)
Tuy nhiên, phân tích về xu hướng này bà Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, những gia đình lựa chọn hình thức giáo dục tại nhà đều có nguyên nhân, trong đó một phần là vì họ cho rằng hệ thống giáo dục chính thống ở nhà trường hiện nay thiên về giáo dục kiến thức, sách vở và thiếu phần rèn luyện kỹ năng cho trẻ trong cuộc sống cũng như phục vụ công việc học tập ở đại học và sau khi ra trường tìm việc làm.
Một buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm của diễn đàn Homeschooling in Vietnam. |
Anh Phạm Thành Phong (ĐH Giáo dục) cho rằng, xu hướng homeschooling phát triển bởi những nhu cầu của phụ huynh trong giáo dục chưa được đáp ứng. Nhiều phản ánh cho thấy cách truyền thụ của giáo viên còn thụ động, áp đặt khiến học sinh, đặc biệt lứa tuổi nhỏ cảm thấy áp lực và tiếp thu một cách rập khuôn. Ví dụ, việc rèn chữ đẹp một cách hà khắc đã làm giảm hứng thú của học sinh khi đến trường. Đâylà nguyên nhân khiến những phụ huynh tự tìm cho con mình một hướng đi giáo dục mà theo họ là an toàn hơn về mặt tâm lý là giao cho nhà trường.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương mô hình homeschooling cũng có những khiếm khuyết của nó. Cho dù học ở nhà hay ở trường, trẻ cũng cần có giáo viên, cha mẹ không thể thay thế nhiệm vụ này vì họ đã là người tạo ra trẻ, họ không thể có suy nghĩ khách quan để tiến hành làm việc với trẻ 100%. Ngoài ra, khi đứa trẻ gặp những vấn đề mâu thuẫn với giáo viên, chúng cần tìm đến cái nơi ẩn nấp an toàn chính là cha mẹ. Nếu cha mẹ và giáo viên nhập làm một, chắc chắn sẽ có lúc đứa trẻ cảm thấy rất cô đơn. Bên cạnh đó, cần có môi trường bạn bè dành riêng cho bé. Ở nước ngoài, trẻ em có cộng đồng homeschooling để có thể chia sẻ với nhau. Vì thế, sẽ không cảm thấy quá cô đơn và phải có chương trình dạy học phù hợp. Chương trình học hiện hay của Việt Nam được soạn dành cho việc dạy ở trường. Nhiều hoạt động đòi hỏi hoạt động tập thể, hoạt động nhóm. Trong những trường hợp đó, mô hình home-schooling sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.
TS Vũ Thu Hương cũng cho biết: “Thực tế, homeschooling đã có từ thời kỳ phong kiến ở châu Âu nhưng do chúng không phù hợp nên mô hình này ngày càng bị thu hẹp, không phát triển. Các đề tài nghiên cứu về mô hình này đã có rất nhiều trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo. Còn việc áp dụng ở Việt Nam, theo tôi, đây là những trường hợp đặc biệt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số gần 20 triệu trẻ em. Vì thế, nghiên cứu về mô hình này thực sự không quá cấp bách so với rất nhiều vấn đề giáo dục đang gặp phải hiện nay”.
Vẫn cần sự định hướng chính thống
Trước những ý kiến trái chiều của giới chuyên gia về mô hình homeschooling, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng phương pháp giáo dục tại nhà Bộ chưa có chủ trương nên chưa bàn tới.
Về vấn đề này một số chuyên gia giáo dục nhận định những gia đình lựa chọn hình thức dạy con tại nhà là sự đột phá trong chiến lược giáo dục. Đây là một thách thức trong sự phát triển giáo dục mà các nhà quản lý cần tính tới.
Bà Trần Thị Thái Hà cho rằng, đây là một xu thế tất yếu trong thời đại khoa học công nghệ phát triển. Nhưng trong thời điểm hiện tại thì người học dễ có những rủi ro. Cụ thể là chưa có văn bản cụ thể chấp nhận hình thức homeschooling, nên có thể dẫn đến tình huống, sau thời gian dạy tại nhà, bố mẹ muốn con vào trường học thì không có văn bản chứng nhận đã tốt nghiệp cấp học (với những cấp học cao hơn mầm non).
Còn ông Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, các nhà quản lý cần phải suy nghĩ và chấp nhận các hình thức giáo dục khác nhau và đáp ứng tốt hơn mọi nhu cầu của người học, vì đây là một xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.
Theo một số chuyên gia giáo dục thì để homeschooling không trở thành xu thế như việc phụ huynh tự mày mò thì cần có một thể chế, và được định hướng bởi ngành giáo dục với những nghiên cứu chính thức để phụ huynh lựa chọn. Bởi hình thức ở các nước phát triển đều được định hướng bởi ngành giáo dục và có những quy định nhất định và buộc phụ huynh tham gia phải tuân thủ.
Tuy nhiên, thực tế homechooling vẫn đang phát triển và ngày càng phổ biến trong cộng đồng những bậc cha mẹ quan tâm tới giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ nhỏ - giai đoạn đầu đời quyết định đến sự phát triển nhân cách cả đời sau này. Nhiều phụ huynh đã dạy con tại nhà những môn học mà nhà trường không có. Thậm chí, ở một số trường quốc tế, việc thiết kế những bài giảng homeschooling đang là lựa chọn tối ưu để cha mẹ có thể đồng hành cùng con cái. Đó cũng là nguyện vọng của đa số phụ huynh. Bên cạnh đó, dịch vụ giáo dục công cũng như tư thục chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh. Đồng tiền bỏ ra vẫn chưa xứng đáng với dịch vụ giáo dục được hưởng. Do đó, homechooling đang phát triển như một xu thế và đòi hỏi ngành giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Vì vậy, để homeschooling ở Việt Nam đi đúng hướng thì vẫn rất cần có những định hướng chính thống, từ đó phụ huynh sẽ có những lựa chọn thấu đáo cho con đường giáo dục con cái của mình.