Cần một định hướng cho homeschooling - Bài 1

Homeschooling (một hình thức giáo dục tại nhà) vốn không còn xa lạ trên thế giới và trong những năm gần đây phát triển khá nhanh tại Việt Nam, dù vẫn còn tự phát, manh mún. Để phương pháp giáo dục này được nhìn nhận như một xu hướng tất yếu thì rất cần sự định hướng của ngành giáo dục.

 ĐUA NHAU DẠY HỌC TẠI NHÀ

Lứa tuổi mà nhiều bậc cha mẹ ở thành phố lựa chọn để áp dụng homeschooling là mẫu giáo và tiền tiểu học. Đánh giá của nhiều bậc phụ huynh, đó là một sự dấn thân gian nan, bền bỉ và sự tinh tế, mà không phải ai cũng làm được. Phụ huynh là những “nhạc trưởng”, tự tạo môi trường để con vui chơi, phát triển thể chất, tinh thần, kiến thức; đồng thời, tự lựa chọn cộng đồng để con va chạm, tương tác.

Một cộng đồng đã được hình thành bởi các gia đình áp dụng homeschooling tại Việt Nam. Ảnh: Homeshooling in Vietnam

Homeschooling là một hình thức giáo dục tại nhà do cha mẹ hay gia sư dạy theo một giáo trình được các nhà khoa học nghiên cứu và soạn sẵn theo độ tuổi. Homeschooling khác hoàn toàn với việc làm bài tập hay việc dạy thêm ở nhà. Xu hướng này đã có ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore... và được các nước này công nhận như một phương pháp giáo dục tồn tại song hành với giáo dục ở nhà trường. Ở Mỹ, homeschooling đã được pháp luật công nhận nhưng mỗi tiểu bang có quy định riêng về số ngày học và các quy định mà gia đình phải đảm bảo cho con em mình.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, một bộ phận phụ huynh lựa chọn phương pháp giáo dục này cho con mình. Mức độ có thể là toàn phần (nghĩa là không đưa con đến trường) hoặc con vẫn đến trường nhưng ở một số môn học, cha mẹ là người tự dạy cho con như toán, tiếng Anh, khoa học xã hội... Vì hình thức này chưa được Bộ GD - ĐT có nghiên cứu chính thức để áp dụng nên giáo trình được các bậc phụ huynh “bê nguyên xi” từ Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Thiên Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang chuẩn bị cùng với gia đình lên Sơn La, để trải nghiệm cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc rất ít người nơi đây. Đây được xem là “bài giảng” ở mức độ cao với 3 đứa con của chị. Chị Hương cho biết: “Đây là lần đầu tôi cùng với các con đi. Với chuyến đi này, tôi đã phải chuẩn bị khá kỹ lưỡng và tin tưởng vào sự trải nghiệm của con cái đã được tập dượt từ các chuyến đi gần hơn trước đó”.

Chị Hương là mẹ của 3 con gái (11, 6 và 4 tuổi) đã áp dụng khá thành công phương pháp homeschooling tại Hà Nội. Chị đồng thời là quản trị của diễn đàn “Homeschooling Viet Nam” hoạt động khá hiệu quả trên mạng xã hội facebook, với hơn 2.000 người theo dõi.

Khi con gái thứ hai của chị Hương vào lớp 1 được 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm đã nhận xét bé hòa nhập khá tốt và tiến bộ nhiều. “Cô giáo nhận xét, con tự tin đọc bài, hay giơ tay phát biểu, rất mạnh dạn học. Làm việc nhóm cũng không có gì khó khăn với con vì trước đó con được thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể trong thời gian homeschooling”, chị Hương cho biết.

Chị Hương cho rằng, mặc dù có một nhóm cha mẹ hỗ trợ nhau trong việc homeschooling nhưng cũng chưa dám dạy con tại nhà hoàn toàn khi con vào lớp 1 mà chỉ một phần nào đó để bù đắp những thứ trường học không có.

Một lý do khác là do ở Việt Nam chưa công nhận homeschooling như một phương pháp giáo dục tồn tại song hành với giáo dục ở nhà trường nên rất nhiều cha mẹ e ngại. Bởi theo giáo dục hiện hành, phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học, THCS đang là bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu không đến trường, trẻ sẽ không được chứng nhận là đã hoàn thành chương trình học nào.

Như cách chị Nguyễn Thị Thiên Hương thực hiện là việc giáo dục tại nhà toàn phần với trẻ đang độ tuổi mẫu giáo. Nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn lựa chọn con đường an toàn hơn là tự dạy một số môn học và vẫn đưa con đến trường. Chị Vũ Thị Kim Anh (Ngọc Lâm, Hà Nội) cho biết: “Con trai mình được dạy môn tiếng Anh tại nhà từ khi cháu mới bắt đầu 3 tuổi. Đến khi con bắt đầu vào lớp 1, bản thân mình đã phát triển thành một cộng đồng học tiếng Anh cho con và mua giáo trình của Mỹ. Mình vẫn cho con đến trường bởi khả năng theo đuổi phương pháp toàn phần này phải là những cha mẹ có thời gian. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa có sự công nhận về hình thức này”.

Một số bậc phụ huynh áp dụng thành công phương pháp này cho rằng, cần phải xác định rõ mục tiêu và kỳ vọng khi lựa chọn. Cha mẹ là những người hiểu rõ nhất con mình. Nếu quan sát và tìm tòi học hỏi những kiến thức liên quan thì cha mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn được những chương trình học phù hợp cho con.

Bên cạnh những phụ huynh đang thực sự dấn thân vào việc tìm hiểu kiến thức, phương pháp để áp dụng vào việc nuôi dạy con, thì trong số đó không ít phụ huynh có xu hướng rập khuôn. Điều này sẽ thật sai lầm bởi mỗi trẻ sẽ phù hợp với một phương pháp của chính cha mẹ nếu họ thực sự hiểu trẻ. Nếu không có cái nhìn khái quát và chọn lọc thì người thiệt sẽ là đứa trẻ. Bởi tuổi thơ của trẻ đi qua và không trở lại. Và càng không nên để con là vật thí nghiệm trong những giai đoạn đầu đời.

Xem Bài cuối: Phát triển như một xu thế tất yếu
Lê Vân
Cần một định hướng cho homeschooling - Bài cuối
Cần một định hướng cho homeschooling - Bài cuối

Một số chuyên gia giáo dục nhận định những gia đình lựa chọn hình thức dạy con tại nhà là sự đột phá trong chiến lược giáo dục. Đây là một thách thức trong sự phát triển giáo dục mà các nhà quản lý cần tính tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN