Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Thực tế, trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng phân tầng và xếp hạng đại học, tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học ủng hộ phương thức này nhưng đều thừa nhận để thực hiện phân tầng, xếp hạng đại học ở Việt Nam thì còn nhiều việc phải làm.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
* Việc làm cần thiếtTheo Dự thảo Nghị định, các trường đại học sẽ phân thành 3 tầng. Tầng trên cùng là các trường định hướng nghiên cứu. Các trường này sẽ đào tạo nguồn nhân lực từ trình độ đại học đến trình độ tiến sĩ, đóng vai trò chủ lực trong xây dựng đội ngũ nhân lực để phát triển nền kinh tế tri thức.
Tầng thứ hai là các trường định hướng ứng dụng cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tầng thứ ba là các trường định hướng thực hành, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Trong từng tầng, các trường đại học được xếp thành 5 hạng khác nhau. Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất. Hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1. Hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2. Hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3. Hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chia sẻ: Việc phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học là hoạt động rất có ý nghĩa. Vì khi phân tầng, các trường sẽ định hình được mục tiêu phát triển dài hạn, nhà nước cũng tập trung đầu tư vào một số trường trọng điểm để trường đại học của Việt Nam có thể đứng trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Việc phân các trường làm ba tầng chuyên biệt cũng sẽ giúp cho việc quy hoạch, đào tạo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh việc phân tầng, việc xếp hạng các trường trong từng tầng cũng là điều vô cùng cần thiết. Nhìn vào bảng xếp hạng, xã hội, các nhà tuyển dụng sẽ biết trường đại học đó có chất lượng ra sao, sản phẩm đào tạo như thế nào, từ đó sẽ trở thành động lực cho các trường phấn đấu.
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giáo dục đại học được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia giáo dục Malaysia cho biết, họ đã phân tầng xếp hạng đại học cách đây 18 năm. Các trường đại học, cao đẳng ở Malaysia cũng được chia thành 3 tầng gồm các trường nghiên cứu, các trường bách khoa thực hành và các trường cộng đồng. Các trường được xếp hạng chấm điểm từ 1 đến 6. Việc phân tầng, xếp hạng đại học đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho sự phát triển của đất nước này.
Ông Morshidi Sirat, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Đại học Malaysia) cho biết: Một trong những kết quả đáng chú ý khi công khai kết quả hoạt động của các trường đại học đó là các trường sẽ phải tích cực cải thiện chất lượng để thu hút sinh viên. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên.
Malaysia có một trường đại học lọt top 150 thế giới. Những bài báo, bài nghiên cứu trích đăng của các giảng viên cũng đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh các trường nghiên cứu, Malaysia cũng rất chú trọng phát triển trường bách khoa định hướng về nghề nghiệp, khuyến khích sinh viên tự tạo công ăn việc làm, không trông chờ vào chính phủ. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ở Malaysia rất thấp, chỉ từ 3-5%.
* Cần đảm bảo tiêu chí rõ ràngTrong Dự thảo Nghị định do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, các cơ sở giáo dục thuộc mỗi tầng sẽ có các tiêu chí riêng cho từng nhóm định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Ở mỗi nhóm trường này lại có các tiêu chuẩn để xếp hạng, dựa trên quy mô, ngành nghề và trình độ đào tạo; cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cụ thể như: Tỷ lệ các ngành đào tạo; tỷ lệ sinh viên; giảng viên; tỷ lệ nguồn thu từ đào tạo; tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học; số lượng đề tài khoa học; số lượng các giải thưởng; số lượng các công trình ứng dụng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, việc đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để xếp hạng cần rất thận trọng, có sự trao đổi, thảo luận giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà khoa học và hiệu trưởng của các trường.
Trong đó, phải thống nhất bao nhiêu tiêu chí định lượng, bao nhiêu tiêu chí định tính và sau đó các chỉ tiêu này phải được kiểm tra thực sự, bởi thực tế hiện nay, hơn 440 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đang đào tạo chồng chéo, lẫn lộn giữa nghiên cứu – thực hành và ứng dụng.
Ông Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại cho rằng: Thực tế triển khai phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì hiện nay, nhiều trường đại học của Việt Nam chưa có định hướng đào tạo rõ ràng, đào tạo nghiên cứu và ứng dụng lẫn nhau nên khó có thể xếp thuộc tầng 1, tầng 2 hay tầng 3 như xếp hạng trong dự thảo.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Lâu nay, ở nhiều trường đại học tại Việt Nam, mục đích đào tạo là chính, nghiên cứu chỉ chiếm một phần và không phải trường nào cũng có đào tạo từ trình độ đại học lên Tiến sĩ.
Vì thế, để có một bảng xếp hạng chính xác các trường đại học với nhiều tiêu chí cụ thể sẽ phải làm một lượng công việc đồ sộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán và chia thành các giai đoạn. Cơ quan đánh giá xếp hạng các trường đại học cũng cần phải cân nhắc sao cho khách quan.
Ông Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Khi triển khai việc phân tầng, xếp hạng cần phải theo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không đảm bảo được những yếu tố này thì phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học sẽ không có ý nghĩa.
Đầu tiên, chúng ta phải đưa ra tiêu chí hết sức minh bạch, định lượng rõ ràng. Bên cạnh đó, cần có một tổ chức đánh giá khách quan thì kết quả đó mới có thể sử dụng.
Việt Hà