Chiều 9/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố quyết định phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015. Để làm rõ thêm quy định mới này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết mục đích và ý nghĩa của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án tổ chức kỳ thi dùng kết quả vừa để xét tốt nghiệp phổ thông vừa để tuyển sinh vào đại học năm 2015?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kỳ thi như vậy để thực hiện yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, cao đẳng sao cho đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn phản ánh đúng chất lượng vừa để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa để cung cấp cơ sở để xét trúng tuyển đại học, cao đẳng.
Kỳ thi này vì thế đồng thời có ý nghĩa giảm tốn kém cho xã hội và thí sinh. Cụ thể trước đây là hai kỳ thi, học sinh phải đi xa; bây giờ còn một kỳ thi, học sinh được thi gần hơn sẽ đỡ tốn kém cho xã hội và phụ huynh học sinh. Đối với học sinh, các em có thuận lợi là được lựa chọn nơi dự tuyển vào sau khi đã có kết quả thi. Như vậy sẽ tránh được may rủi và các em cũng có thể lựa chọn nhiều hơn những nơi mình dự tuyển vào bởi vì có nhiều cách tổ hợp điểm khác nhau của các trường đại học, cao đẳng chứ không phải cố định khối thi như trước đây.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về công tác ra đề thi làm thế nào để đảm bảo được tính chất phân loại của các trường đại học?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kỳ thi này kế thừa những ưu điểm của những đổi mới thi trong những năm vừa qua, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Cụ thể là đề thi tiếp tục ra theo hướng yêu cầu học sinh có những vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đối với đề thi năm nay có yêu cầu rõ hơn, thể hiện rõ 4 mức độ yêu cầu (mức độ nhận biết, thông hiểu, mức độ vận dụng và vận dụng cao) để vừa có phần cơ bản xét tốt nghiệp phổ thông, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa để các trường đại học có cơ sở xét tuyển vào đại học và cao đẳng.
PV: Trong phương án thi mới việc tổ chức thi diễn ra tại các địa phương, vậy sắp tới công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi,... sẽ phải thay đổi như thế nào để đảm bảo kỳ thi có kết quả khách quan, nghiêm túc, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trong những năm vừa qua là nghiêm túc và kỳ thi sắp tới sẽ giữ mô hình, tổ chức đó. Cụ thể là các trường đại học, cao đẳng được chủ trì trong việc coi thi, chấm thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Chỉ có điều là năm nay ngoài những cụm thi ở Qui Nhơn, Vinh, Hải Phòng, Cần Thơ như những năm trước, sẽ có thêm nhiều cụm thi nhưng tính chất tổ chức vẫn như vậy, vẫn giữ tính khách quan, đảm bảo chất lượng và sự nghiêm túc. Việc tổ chức thi sẽ phát huy ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm các trường đại học trong những năm qua.
PV: Thưa Thứ trưởng, theo phương án thi mới từ năm 2015, bên cạnh những cụm thi do các trường đại học đứng ra chủ trì còn có các cụm thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hoàn toàn cho Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương chủ trì để tạo điều kiện cho những thí sính tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Vậy giữa 2 loại cụm thi có sự liên thông với nhau như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Như chúng ta đã biết, hàng năm có khoảng 20% số học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong thì không có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Năm nay, để bảo đảm quyền lợi cho các em, Bộ sẽ thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các cụm thi cho các em đỡ phải đi xa. Đối với các em này thì vẫn thi đề giống như đề của các cụm thi mà các em khác dự thi vào đại học. Chỉ có điều là các em không phải thi nhiều môn mà chỉ phải thi 4 môn tối thiểu (toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn).
PV: Trân trọng cám ơn Thứ trưởng !
Thu Phương - Ngọc Anh (thực hiện)