Đánh giá về bậc học Tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là có nhiều đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá học sinh. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bậc học Tiểu học vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo những nội dung chính đối với bậc tiểu học trước thềm năm học mới. Ảnh: TTTT |
Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ trước khi vào lớp 1. Bộ GD - ĐT đã có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1. Phòng giáo dục cần chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non.
Việc dạy thêm, học thêm cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng dạy thêm các kiến thức nâng cao hoặc biến tướng buổi thứ hai thành buổi học thêm trong các trường học 2 buổi/ngày.
Sau một năm triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học (thay thế Thông tư 30), Bộ trưởng khẳng định, công tác đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 22 đã chuyển biến nhưng nhiều nơi còn tình trạng khen tràn lan, khen không phù hợp.
Năm học tới, Vụ Giáo dục Tiểu học tiếp tục tổ chức tập huấn cho các giáo viên thực hiện tốt đánh giá học sinh theo theo Thông tư 22 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để giảm tải cho giáo viên trong đánh giá học sinh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, khen thưởng không phù hợp, ảnh hưởng tới tinh thần nhân văn trong đánh giá học sinh Tiểu học, Giám đốc Sở GD- ĐT ở đó phải chịu trách nhiệm”.