Trường Tiểu học Tổng Cọt thuộc xã Tổng Cọt có trên 200 học sinh. Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Nùng. Đa số các em đều thuộc hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ngoài điểm trường chính, Trường Tiểu học Tổng Cọt còn có ba điểm trường lẻ. Cơ sở vật chất tại các điểm trường này còn rất sơ sài và thiếu trang thiết bị dạy học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tổng Cọt Hoàng Văn Tâm chia sẻ, để khắc phục khó khăn ở các điểm trường lẻ, nhà trường vận động phụ huynh cho học sinh từ lớp 3 trở lên đến học tập trung tại điểm trường chính. Học sinh khi đến học tại điểm trường chính, nhà trường luôn quan tâm chăm lo đời sống từ học tập, ăn uống và sinh hoạt của các em. Các điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít thì tổ chức học lớp ghép. Nhà trường đã phân công giáo viên, thành lập các tổ phối hợp cùng chính quyền từ xã, thôn trực tiếp xuống từng hộ để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến trường...
Trên con đường gồ ghề, lởm chởm đá tai mèo để vào điểm trường Lũng Giỏng (xã Tổng Cọt), thầy giáo Triệu Văn Thái (giáo viên Trường Tiểu học xã Tổng Cọt) chia sẻ, để lên điểm trường đúng giờ học sinh đến lớp, anh phải đi từ sáng sớm tinh mơ. Trên con đường đầy đá tai mèo, anh sợ nhất là xe chết máy hoặc thủng lốp dọc đường. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt sẽ vất vả và khó khăn hơn. Thầy Thái chia sẻ thêm, dù gặp nhiều vất vả nhưng vì các em, thương các em, các thầy cô ở vùng Lục khu luôn cố gắng để đem cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, góp phần giúp ước mơ của các em học sinh là xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn trở thành hiện thực...
Điểm trường Lũng Giỏng nằm ở vùng biên cương Tổ quốc. Đến đây, khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới, tiếng cười nói của các em học sinh trên đường đến lớp, chúng tôi càng trân trọng hơn sự hy sinh của các thầy, cô giáo đang ngày đêm bám lớp, bám trường gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Bởi các thầy cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em về chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. Điểm trường Lũng Giỏng có 43 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học, trong đó có một lớp ghép. Tại điểm trường Lũng Giỏng, cô giáo Hoàng Thị Huyền, người có 16 năm dạy học ở vùng Lục khu cho biết, dạy học ở các điểm trường lẻ ở vùng Lục khu gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt. Những năm hạn hán ít mưa, các thầy, cô phải vào những khe đá, hứng từng can nước gánh về, chắt chiu từng giọt nước để dùng cho sinh hoạt cả tuần...
Cô Huyền chia sẻ thêm, mặc dù nhiều khó khăn nhưng đi dạy học ở các điểm trường lẻ cũng có nhiều kỷ niệm. Bà con vùng Lục khu rất tốt, khi thấy các thầy cô giáo thiếu nước, họ bảo nhau góp nước ủng hộ. Ở Lục khu, khi trời mưa vui lắm, bà con hò nhau tìm đồ để hứng nước mưa vui như là đi hội. Sự chân thành của đồng bào đã giúp các thầy, cô có thêm động lực bám lớp, bám bản.
Điểm trường Sỹ Điêng thuộc Trường Tiểu học Trung học Cơ sở Vần Dính (xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng) có trên 50 học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông. Học sinh ở đây do ảnh hưởng của phương ngữ nên các em phát âm không được tốt. Cô giáo Hoàng Thị Kiểm cho biết: Để dạy học cho học sinh ở đây, các thầy, cô cũng phải học tiếng địa phương. Từ đó, thầy cô sẽ dạy dần để các em biết nhận mặt chữ, ghép âm và dạy tiếng Việt cho các em.
Điều kiện kinh tế ở Sỹ Điêng còn nhiều khó khăn, nhận thức của nhiều phụ huynh còn hạn chế, nhà học sinh ở xa điểm trường. Do vậy, các em thường xuyên nghỉ học để phụ giúp gia đình. Để học sinh không bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng, các thầy cô đã đến từng gia đình vận động phụ huynh, đón cho các em đi học.
Hiện nay, huyện Hà Quảng có gần 100 điểm trường, chủ yếu ở cấp mầm non và tiểu học với hơn 400 giáo viên. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) cho biết, sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo vùng cao đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Những năm gần đây, công tác phổ cập giáo dục, huy động học sinh ra lớp luôn được duy trì, nâng cao. Nhiều điểm trường lẻ đã được cải tạo và nâng cấp để đáp ứng chương trình giáo dục. Tuy nhiên, để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới, các điểm trường cần được quan tâm đầu tư hơn nữa cho các thầy, cô giáo và cơ sở vật chất.
Cao Bằng còn hàng trăm điểm trường lẻ ở vùng sâu vùng xa nhưng bằng sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, mầm xanh con chữ vẫn đang nảy nở ở những heo hút nhất. Con đường đến trường của các em học sinh vẫn còn là những dốc núi cheo leo, là những vùng đất khô cằn, sỏi đá nhưng cánh cửa tri thức sẽ mang đến cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tương lai tươi sáng hơn. Một bó hoa ngắt vội trên đường đi học mà các em học sinh gửi tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là niềm vui lớn, là động lực để những giáo viên bám bản... vượt qua những khó khăn, tiếp tục chắt chiu yêu thương để mang ánh sáng tri thức đến với học sinh vùng cao nguyên đá Lục khu.