Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm cho biết: 63 thầy, cô giáo tham gia chương trình đều là người dân tộc thiểu số, đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong số đó, nhiều thầy cô có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; điều kiện giảng dạy, trường lớp thiếu thốn cơ sở vật chất, phương tiện đến trường không đảm bảo, có thầy, cô giáo phải di chuyển bằng ghe, thuyền tới các điểm trường thuộc các xã đảo...
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình công tác, kiến nghị, đề xuất những ý kiến góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy nói riêng, tăng cường vai trò cầu nối giữa chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế - xã hội nói chung.
Thầy giáo Thào A Vàng, công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) mong muốn, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp có chính sách cụ thể để giải quyết việc làm cho lao động trẻ người dân tộc thiểu số, từ đó phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng quan điểm trên, thầy giáo K'Dĩnh, Trường Tiểu học Tân Phúc 1 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đề nghị có thêm các chính sách đặc thù, thỏa đáng dành cho giáo viên dân tộc thiểu số ở các địa phương. "Tại các buôn làng, đồng bào thường coi giáo viên là người có uy tín. Nhưng điều kiện công tác của giáo viên dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn", thầy giáo K'Dĩnh chia sẻ.
Trò chuyện với các đại biểu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực cho sự nghiệp "trồng người" nơi rẻo cao của các thầy, cô giáo. Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh cho biết, Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số cụ thể.
Đối với những đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh khẳng định sẽ giao các vụ chức năng của Ủy ban Dân tộc tổng hợp, rà soát, tham mưu với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách đảm bảo phù hợp, thiết thực để đồng hành, hỗ trợ lực lượng giáo viên dân tộc thiểu số.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" tặng 63 đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.
Dưới đây là những hình ảnh tại buổi gặp mặt: