Năm giải pháp cơ bảnTheo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ: Năm học 2016 - 2017 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021. Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế từ những năm học trước, đề ra 9 nhiệm vụ ưu tiên tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Trao tặng tập vở cho các học sinh tại các trường tiểu học huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu – TTXVN |
Đó là: “Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD - ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD - ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước”.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm, ngành GD&ĐT đã đề ra 5 giải pháp cơ bản của năm học 2016 - 2017, gồm: Cải cách thể chế về GD-ĐT; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; quan tâm đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách.
Cùng với đó là tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD - ĐT.
Nâng cao chất lượng dạy và họcTại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai năm học mới 2016 - 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi nội dung các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ có liên quan đến giáo dục và đào tạo, để các cấp lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên và nhân dân hiểu rõ và đồng lòng thực hiện. Các bộ, ban, ngành trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD - ĐT, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ chính sách, đời sống vật chất tinh thần của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên.
Quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xây dựng, rà soát các chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương. Chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trường học.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo các tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ như: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục vùng khó khăn, giáo dục dân tộc... Đặc biệt, các cấp học đã áp dụng thực hiện mô hình trường học mới nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập, giao tiếp xã hội. Tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó tập trung vào nội dung đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, đổi mới phương pháp dạy học tích cực và công tác thi đua khen thưởng trong các đơn vị, trường học...
Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông, ngành GD - ĐT đã phân cấp cho các đơn vị, trường học chủ động xây dựng và thực hiện phân phối chương trình chi tiết theo khung thời gian. Các nhà trường tạo điều kiện cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn. Trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.
Hiện nay, toàn ngành cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng. Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh. Xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường. Thực hiện tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Triển khai thực hiện tự chủ đại học. Năng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tăng cường hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
“Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi, đó có thể là các em học sinh nơi miền núi hải đảo, đó là các giáo viên với những sáng tạo đổi mới trong dạy và học, đó có thể là các chuyên gia, những giảng viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài… Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, ngày 5/8. |