Nguyên tắc của việc này là thực hiện trên tinh thần tôn trọng Luật Giáo dục Đại học, trao quyền tự chủ cho các trường. Những năm vừa qua, các trường chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cũng như đảm bảo năng lực để tự tổ chức tuyển sinh nên cần Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ.
Khi các trường đủ năng lực sẵn sàng thực hiện chức năng tuyển sinh thì Bộ sẽ để các trường tự tổ chức. Ví dụ như cách tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội trong 2 năm vừa qua đã được dư luận đánh giá cao và nhiều trường có nhu cầu dùng chung kết quả bài thi nay. Dự kiến, vào đầu năm học 2016 - 2017, bộ sẽ đưa ra phương án cơ bản về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia để lấy ý kiến góp ý của toàn xã hội.
* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016?
Có thể nói, kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức thành công, thể hiện rõ từ chủ trương đổi mới thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng; cũng như hiệu quả của công tác phối hợp tổ chức kỳ thi giữa các trường đại học và các địa phương. Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc và nhẹ nhàng, không gây áp lực cho thí sinh và tạo được niềm tin cho xã hội và dư luận.
Tại diễn đàn quốc hội năm 2015, có đại biểu (đoàn Ninh Thuận) nêu ý kiến việc không tổ chức thi tại địa phương khiến con em họ rất vất vả, phải vượt đèo nguy hiểm sang tỉnh bạn thi. Năm nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đã lắng nghe ý kiến từ người dân, từ cơ sở để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Điểm mới nổi bật là năm nay cụm thi do trường đại học chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thí sinh và phụ huynh không còn phải thi xa nhà, giảm tốn kém và phiền hà, do đó các em làm bài tự tin hơn để đạt kết quả tốt; tỉ lệ thí sinh đến dự thi rất cao. Sự mở rộng số lượng cụm thi quốc gia là một thách thức lớn đối với Bộ nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, trách nhiệm cao của các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo, kỳ thi đã được tổ chức thành công.
Số lượng thí sinh được chia nhỏ cho nhiều cụm thi hơn so với trước nên các trường đã có thể sử dụng những cơ sở tốt nhất làm điểm thi; do đó, không gian, môi trường thoải mái hơn giúp thí sinh có thể phát huy hết năng lực để làm bài thi; các địa phương có điều kiện huy động sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể về điều kiện ăn ở cho thí sinh và người nhà.
Do chỉ có thí sinh của địa phương mình dự thi nên Sở Giáo dục và Đào tạo có thể nắm được số lượng thí sinh có nguy cơ vắng mặt do các điều kiện khác nhau, từ đó có những giải pháp tổ chức thi hiệu quả.
Sự phân bố các điểm thi của cụm thi cũng rất linh hoạt, tạo điều kiện tối đa để thí sinh đến dự thi. Ví dụ: tổ chức điểm thi tại Huyện đảo Phú Quốc, điểm thi tại Thành phố Hồ Chí Minh cho các thí sinh của Long An có các huyện giáp ranh, điểm thi thi tại Hội An cho thí sinh các huyện bắc Quảng Nam…
* Bên cạnh những thành công đã đạt được, xin Thứ trưởng chia sẻ về những hạn chế còn tồn tại trong công tác tổ chức thi năm nay?
Đến thời điểm này, có thể đánh giá tồn tại lớn nhất của phương thức tổ chức thi năm nay là vẫn diễn ra hai cụm thi: cụm thi do các trường đại học chủ trì và cụm thi do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì. Điều này, đòi hỏi các trường đại học được giao chủ trì cụm thi tại địa phương phải di chuyển xa xôi, trong khi đó, cơ sở vật chất, phòng nghỉ tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa không đủ đáp ứng số lượng lớn cán bộ, giảng viên cùng một lúc, nên có phần tạo áp lực cho các trường cũng như gây khó khăn trong sinh hoạt, ăn ở của cán bộ coi thi trong những ngày thi.
Ngoài ra, tuy việc tổ chức các cụm thi đều rất nghiêm túc, chặt chẽ nhưng việc tồn tại hai cụm thi vẫn có thể khiến dư luận quan ngại về độ công bằng, khách quan giữa cụm thi địa phương và cụm thi đại học.