‘Chợ’ giáo án online nở rộ

Mặc dù ngành giáo dục đã có những giải pháp giảm gánh nặng sổ sách cho giáo viên nhưng giáo án theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn “tạo đà" cho những “chợ giáo án” online nở rộ.  

Chú thích ảnh
Nhóm chợ giáo án - Giáo trình - Tài liệu cho giáo viên có nhiều người tham gia. Ảnh: Chụp màn hình.

Giáo án nặng tính đối phó  

Soạn giáo án là một trong những nhiệm vụ của giáo viên trước mỗi tiết dạy. Nhưng với những quy định đặt ra như hiện nay khiến việc soạn giáo án là gánh nặng của giáo viên.

Dẫn chứng về thực trạng này, một giáo viên tiểu học tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: “Công văn 5512/BGDĐT/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trong trường học có mẫu phụ lục về giáo án cho giáo viên. Theo đó, việc soạn giáo án phải thể hiện các bước: Xác định vấn đề; hình thành kiến thức mới; luyện tập; vận dụng. Riêng mỗi hoạt động phải đầy đủ mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, cách làm này khá máy móc vì không phải bài học nào cũng áp dụng giống nhau. Với yêu cầu như vậy, số lượng giáo án khá nhiều với nhiều đầu việc khác nhau. Để có một giáo án hoàn chỉnh, giáo viên phải bỏ thời gian khá nhiều. Trong khi, công việc của giáo viên còn nhiều đầu việc khác”.

Giáo án theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng cho từng khối học như hiện nay đã khiến các giáo viên phải tìm đến những chợ giáo án online. Ban đầu là những hình thức chia sẻ tài liệu trên mạng xã hội và chợ giáo án thực sự hình thành khi những giáo viên muốn nhận một giáo án hoàn chỉnh.

Một giáo viên tiểu học ở TP Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết: “Có cầu ắt có cung, bởi giáo án của năm ngoái không thể sử dụng cho năm nay vì thay sách”.

Thị trường giáo án nhộn nhịp

Chợ giáo án online không chỉ nhộn nhịp đầu năm học 2022 - 2023 mà đã hình thành từ năm 2021. Nhiều hội nhóm giáo viên được thành lập để soạn, bán giáo án theo mẫu.

Trên mạng xã hội, chỉ cần gõ “bán giáo án online” đã ra hàng chục kết quả về các hội nhóm liên quan, từ chia sẻ, miễn phí đến trao đổi, mua bán. Việc bán mua thường dưới những dưới kiểu trao đổi: “Thầy cô cần giáo án môn A, B, C... lớp 3, 7, lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhắn lại, mình gửi tặng; Đồng nghiệp nào soạn xong giáo án môn Toán, Tiếng Việt lớp 3 bộ sách Cánh Diều, Kết nối... cho mình cùng tham khảo; Thầy cô nào có giáo án powerpoint Ngữ văn 7 và cả năm bộ sách Chân trời sáng tạo cho em xin với...”.

Để tăng phần uy tín, các tài khoản giới thiệu giáo án được làm từ những giảng viên các trường sư phạm có tiếng. Thậm chí, tài khoản được để chế độ công khai với nhiều chia sẻ câu chuyện dạy học, phương pháp giảng dạy, hoặc cập nhật những sự kiện giáo dục mới nhất.

Tuy nhiên, theo một số giáo viên, việc tặng, miễn phí chỉ là cách nói chuyện trên những chợ giáo án online. Khi người cần giáo án gửi email, hoặc nhắn lại số điện thoại để nhận giáo án đồng thời có thông báo về mức phí gọi là hỗ trợ cho nhóm biên soạn. Giá đưa ra có thể vài trăm nghìn cho tới hàng triệu, tùy theo người nhận cần giáo án. Những giáo án các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn đắt hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, để có giáo án phù hợp thực tế dạy học, đặc biệt với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu chuyên môn của trường, phòng GD&ĐT, thì giáo viên phải tự nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp giáo án của mình. Nhiều giáo án online mất tiền mua về nhưng hình thức chỉ cắt ghép một cách cẩu thả. Có khi, giáo viên mất tiền mua về nhưng lại không dùng được.

Thực tế cho thấy, những giáo viên dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn sự lo lắng nhất định về giáo án trước khi bước vào triển khai. Do đó, thị trường giáo án online vẫn tiếp tục tung ra nhiều chiêu để đáp ứng nhu cầu này.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, các phụ lục về mẫu giáo án, mẫu kế hoạch theo công văn 5512 chỉ để tham khảo. Vì vậy, khi thực hiện hoạt động kiểm tra, lãnh đạo các trường, các cấp quản lý cần tránh việc kiểm tra một cách máy móc, làm khó, làm khổ giáo viên.

LV/Báo Tin tức
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường làm giáo án môn Ngữ văn và Lịch sử
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường làm giáo án môn Ngữ văn và Lịch sử

Nhằm đạt hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý các trường, giáo viên về việc xây dựng giáo án, nhất là môn Ngữ văn và Lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN