Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tham dự Lễ Khai khóa - 2016 có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng; lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng khoảng 1.000 sinh viên là những em đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, Olympic quốc gia, các cuộc thi học thuật và nghiên cứu khoa học, sinh viên 5 Tốt cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên tân thủ khoa và thủ khoa tốt nghiệp năm học 2015 -2016.
Lễ Khai khóa là chương trình truyền thống của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức thường niên vào đầu năm học mới nhằm khơi dậy niềm tự hào trong sinh viên nhà trường, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của sinh viên trong việc thực hiện chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ khai khóa cũng là cơ hội để sinh viên được nghe thông điệp từ các diễn giả - là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học nổi tiếng đến truyền lửa, khơi dậy động lực, ý chí phấn đấu trong học tập, rèn luyện cho sinh viên.
Năm học 2016 - 2017, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh muốn gửi đến xã hội những thông điệp về năm học mới nhiều thành công với chủ đề “Chương trình đào tạo - hiện đại, liên thông, hội nhập”.
Lễ Khai khóa - 2016 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự đón Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đại Quang, Chủ tịch nước đến dự và mang theo thông điệp “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống”.
Tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập tới bối cảnh ra đời và đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với thuật ngữ “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover (CHLB Đức) năm 2011. Năm 2012, thuật ngữ này được đặt tên cho một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức hợp tác với giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua “điện toán hóa”. Từ đó đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới để mô tả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 20/1/2016, Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện cùng sinh viên Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.
Đề cập tới những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, về mặt kinh tế, cuộc cách mạng sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”; các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo - là những động lực không giới hạn, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, lao động phổ thông - là những yếu tố đầu vào luôn có giới hạn. Cuộc cách mạng cũng sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng và giá cả. Về mặt xã hội, cuộc cách mạng này thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội ở nhiều nước với sự xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, pháp luật... Về việc làm, trong trung hạn và dài hạn, các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sẽ bị tác động trực tiếp và nhiều nhất, do nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này cùng với những thay đổi nhanh chóng và rộng khắp đặt các nhà quản lý trước những thách thức ở mức độ chưa từng có về yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn về khía cạnh môi trường, nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Thời cơ mới cho đất nước hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đang tạo ra thời cơ mới cho đất nước hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới. Do điều kiện chiến tranh và hoàn cảnh lịch sử, đất nước đã không có cơ hội để tiếp cận và bắt nhịp ngay từ đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới; tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đi cùng với đó, đất nước cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, trong trung hạn và dài hạn, số lao động phổ thông ở nước ta sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển. Nhóm ngành công nghiệp chế tạo sẽ phải chịu tác động mạnh nhất, bởi những đột phá về công nghệ đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do lợi thế lao động giá rẻ giảm mạnh. Chủ tịch nước dẫn chứng báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế công bố tháng 7/2016 cho thấy, Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Tỷ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số thiệt hại tuyệt đối rất lớn vì dệt may và giày dép lại là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động.
Nhấn mạnh tiềm năng phát triển của đất nước còn rất lớn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, đất nước vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, song thách thức đặt ra là làm sao tranh thủ phát huy tối đa và hiệu quả các tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu không có chiến lược phù hợp thì sức ép đối với phát triển của Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng cách với các nước phát triển sẽ ngày càng tăng.
Thách thức an ninh phi truyền thống
Trong những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập tới thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng - một trong những thách thức an ninh phi truyền thống có nguy cơ đe dọa lớn đến an ninh của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết của việc “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phân tích, tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp với hàng loạt chiến dịch gián điệp, tấn công mạng của tin tặc nhằm vào những cơ quan, tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn... Hoạt động sử dụng không gian mạng để tuyển quân, truyền bá tư tưởng khủng bố, cực đoan đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các quốc gia. Chiến tranh mạng đã xuất hiện và được sử dụng vào mục đích chính trị, quân sự. Tình báo mạng trở thành con đường ngắn nhất để đi tắt đón đầu, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia... Trước bối cảnh này, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, Internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, một luận điểm cực kỳ quan trọng cần thấu suốt, đó là công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành. Chủ tịch nước cũng lưu ý việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể, toàn diện, phát triển công nghệ về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam; sử dụng đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi cho hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng, phục vụ phát triển công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội; phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về công nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng nói riêng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về an ninh, an toàn thông tin; tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển các sản phẩm về an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một tổ hợp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với 35 đơn vị thành viên và trực thuộc, trong đó có 6 trường đại học hàng đầu phía Nam, 1 viện nghiên cứu thành viên và 28 đơn vị trực thuộc hoạt động ở 5 lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Xã hội, Kinh tế và Khoa học sức khỏe. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục - đào tạo; phải là nơi thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy; phải là “một thành phố đại học hiện đại”, nơi ươm mầm tài năng của đất nước hôm nay và mai sau, đặc biệt chú trọng khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri thức phục vụ cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, chất lượng giáo dục - đào tạo có mối quan hệ mật thiết với chất lượng nghiên cứu khoa học và sự kết nối với các doanh nghiệp. Vì vậy, nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với quá trình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học danh tiếng ở các nước trong khu vực và trên thế giới; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở cả giảng viên và sinh viên.