Áp lực "đẩy" học sinh lên lớp
Trong những ngày gần đây, cả nước đang xôn xao vụ học sinh lớp 6 không biết đọc, biết viết nên bị trả về học lại lớp 1 ở tỉnh Sóc Trăng. Vấn đề nằm ở chỗ, phụ huynh của học sinh này đã nhiều lần xin cho con ở lại lớp, nhưng nhà trường vẫn cho lên lớp.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh T., giáo viên dạy lớp 5 một trường tiểu học ở Vũng Tàu, đây là trường hợp mang tính cá biệt nhưng cũng là dấu hiệu phản ánh đến lúc cần nhìn nhận và thay đổi mạnh mẽ về tình trạng ngồi "nhầm" lớp. “Rõ ràng những kỹ năng đọc viết là từ lớp 1, nhưng hết tiểu học em ấy cũng không biết đọc, biết viết, thì cần phải xem lại. Vấn đề cốt lõi ở đây là tại sao em ấy vẫn "ung dung" được lên lớp? Mỗi người có một khả năng tiếp thu khác nhau, nếu học sinh nào yếu thì phải cho ở lại lớp, để năm sau các em được học lại”, cô T. cho biết.
Cần đánh giá học sinh đúng thực tế chứ không vì chỉ tiêu thành tích. |
Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng học sinh ngồi "nhầm" lớp không quá hiếm và một trong những nguyên nhân là căn “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục. Bởi, theo quy định của ngành giáo dục, các trường trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia tối thiểu phải đạt các chỉ tiêu như tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 6%, học sinh xếp loại giỏi từ 3% trở lên, khá từ 35%; loại yếu, kém không quá 5%...
“Bệnh thành tích là cụm từ không hề mới, ngược lại nó còn trở nên quen thuộc và là một thực trạng trong giáo dục nước ta. Hệ lụy của căn bệnh này tạo tình trạng ảo tưởng về năng lực bản thân cho học sinh. Các em đang độ tuổi theo tâm lý học phát triển là độ tuổi "đánh giá bản thân". Dữ liệu để các em đánh giá là trong mối tương quan so sánh với bạn bè và từ chính thầy cô của mình. Nếu "san phẳng" kiểu tất cả đều giỏi, các em sẽ dần hình thành sự chủ quan, ỷ lại và không có ý chí học tập”. Cô Nguyễn Thị Thanh T., giáo viên tại TP Hồ Chí Minh |
Một giáo viên (đề nghị giấu tên) ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Quy định là thế, nhưng rất ít trường bám vào các tỷ lệ này mà luôn đặt mình trong sự so sánh với các trường chuẩn khác và đuổi theo thành tích mà các trường này đã đạt được, nên thành tích đều… vượt xa tỷ lệ quy định. Chính vì thành tích mà nhiều giáo viên gặp không ít áp lực, bởi nếu để học sinh trong lớp yếu nhiều, thì sẽ bị ảnh hưởng đến xét thi đua cuối năm, bị kiểm điểm vì ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường… Bởi vậy, trong những năm gần đây, số học sinh khá giỏi, học sinh đạt điểm 10 luôn chiếm tỷ lệ cao; các lớp hầu như 100% đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, còn học sinh trung bình, yếu kém gần như rất ít, thậm chí là không có.
“Cách đánh giá năng lực học sinh hiện nay vẫn còn chưa khách quan và mang nặng thành tích. Căn bệnh ngồi "nhầm" lớp này thể hiện ở chỗ giáo viên phải chịu quá nhiều áp lực khi phải đăng ký đạt chỉ tiêu 70% học sinh khá giỏi, không có học sinh lưu ban. Nếu giáo viên để cho học sinh lưu ban, hoặc lớp có nhiều học sinh yếu, trung bình thì sẽ bị cắt thi đua khen thưởng cuối năm, ảnh hưởng đến việc tăng lương... Điều này thật phi lý, chỉ tội cho những học sinh có nhận thức chậm mà bị bắt lên lớp”, cô Nguyễn Thu Vân, giáo viên dạy Văn ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
Ngay chính phụ huynh cũng tự tạo áp lực cho con em mình. |
Không chỉ các trường chạy theo thành tích, mà việc này cũng đã “lan” sang các bậc phụ huynh. Một giáo viên dạy ở trường chuyên tại quận Thủ Đức kể: “Vì các em không theo môn chuyên này, nên mỗi lần ra đề kiểm tra tôi đều cho các em những bài kiểm tra ở mức độ vừa phải, nhưng các em cũng khó đạt được điểm cao. Nhiều học sinh đã đến nói với tôi: "Cô ơi, em được 7 - 8 điểm bố mẹ em biết sẽ la mắng em". Như vậy, áp lực này không chỉ ở phía nhà trường mà còn phải nhìn nhận phụ huynh nào cũng muốn con em mình được đánh giá là giỏi giang, thành tích học tập tốt. Các giáo viên nhiều khi "vớt" các em còn là vì không muốn đào sâu khoảng cách, gây ra những tổn thương vào nhận thức non nớt của các em”.
“Bốc thuốc” gì cho hiệu quả?
Nhiều ý kiến cho rằng, để học sinh không ngồi “nhầm” lớp, xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục, ngành giáo dục không nên tạo áp lực chỉ tiêu, không đề ra tiêu chí thi đua thiếu hợp lý và các trường, thầy cô phải đánh giá đúng, thật sự với việc học của học sinh. “Không còn áp lực chỉ tiêu 100% học sinh lên lớp thì tình trạng ngồi "nhầm" lớp phần nào sẽ được khắc phục”, cô Nguyễn Thu Vân khẳng định. Còn theo cô Nguyễn Thị Thanh T., để giải quyết vấn đề “bệnh thành tích”, phải có chiến lược mang tính hệ thống. Chẳng hạn như khung đánh giá năng lực học sinh toàn diện hơn, không chỉ qua điểm số, mà còn là những lời nhận xét khéo léo, chân tình của giáo viên và cả phần tự đánh giá của gia đình tổng hợp lại và cùng các kỹ năng khác.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để trị được “căn bệnh thành tích”, điều quan trọng nhất hiện nay chính là cần thay đổi tư duy về giáo dục và triết lý giáo dục. Theo đó, cần phải lấy quá trình tiến bộ của học sinh để mà khen thưởng chứ không phải lấy kết quả học tập mà đánh giá. Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích “ảo”, đội ngũ giáo viên chính là người đi tiên phong. Bên cạnh đó, chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, đặc thù của từng môn, từng trường, từng vùng… không để các trường “cuốn” vào việc chạy theo thành tích.
Cô Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục: Tự chủ và tự chịu trách nhiệm Hiện tượng ngồi "nhầm" lớp là do chúng ta chưa quản lý hết được cách đánh giá, kết quả học tập của học sinh. Để xảy ra tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như giáo viên chưa được đào tạo một cách đầy đủ, lớp học đông, có thể là do áp lực từ thành tích. Áp lực đó không thể nào bỏ qua được, bởi rõ ràng các trường đang muốn có những thành tích cao. Quan trọng nhất là tính chịu trách nhiệm của nhà trường và giáo viên, trong đó có vai trò của người quản lý. Trong hệ thống giáo dục có sự tuân thủ rất cao, tính tuân thủ đó đòi hỏi nhà trường phải có tính trách nhiệm, cho nên hệ thống giáo dục đang đòi hỏi nhà trường phải có sự tự chủ, sáng tạo, linh hoạt để giúp cho học sinh mình học tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường vẫn chưa sẵn sàng cho tự chủ đó, khi chưa tự chủ thì tính chịu trách nhiệm thấp. Để giải quyết tình trạng ngồi "nhầm" lớp thì cần phải có quan điểm rõ ràng trong quản lý từ cấp hệ thống, cấp trung của nhà trường và quản lý trong lớp học của người giáo viên. Thầy Công Danh, Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh: Đừng đưa ra cái chuẩn "ảo tưởng" Vào thời của tôi, chỉ cần xếp học lực học sinh trung bình là rất vui rồi, rất hiếm học sinh đạt điểm 7 trở lên, số học sinh khá giỏi rất hiếm. Còn bây giờ số học sinh khá giỏi khá nhiều và kém rất ít. Đồ thị đánh giá học sinh đang đi ngược và đó là phi thực tế. Cái chuẩn của chúng ta là thực chất, nhưng lại mang tính "ảo tưởng" cao. Chúng ta không nên đưa ra cái chuẩn mà buộc người khác phải chạy đua mới đạt được mà phải đưa ra cái chuẩn để người ta cố gắng phấn đấu mới có thể đạt được. Nhìn nhận từ thực tế, để chạy đua cho đạt cái chuẩn đó, tất cả mọi người lại đang lừa dối lẫn nhau. “Bệnh thành tích” là lỗi hệ thống từ trên xuống dưới nên ta cần phải sửa đổi cả hệ thống đó. Cô Dương Thanh Trúc, giáo viên dạy môn Hóa: Những chỉ tiêu xa rời thực tế Để hạn chế căn bệnh thành tích, chúng ta vẫn có những tiêu chí mục tiêu đặt ra nhưng đừng áp xuống trường những chỉ tiêu xa rời thực tế nữa, bên cạnh đó cần phải có một sự thay đổi đồng bộ về cách đánh giá, kiểm tra trong nhà trường. |