Chuẩn bị tâm lý, hành trang cho trẻ bước vào lớp 1

Mùa tựu trường sắp đến, trong giai đoạn chuyển mình giữa lứa tuổi mầm non bước vào lớp 1 với môi trường mới, không ít phụ huynh có nhiều mối bận tâm, lo lắng. Tuy nhiên, đôi khi những nỗi lo có thể vô tình gây ảnh hưởng đến việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, TP. Buôn Ma Thuột tham gia hoạt động hát tập thể tại lớp học. Ảnh tư liệu: baodaklak.vn

Mặc dù đang giữa hè, thế nhưng chị Trần Thị Tuyết Oanh (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) canh cánh nỗi lo cho con chuẩn bị bước vào lớp 1. Theo chị Oanh, bước tiến mới vào lớp 1, cũng như các bà mẹ khác, chị rất hồi hộp và lo lắng. Ở lớp 1, các cháu phải tự lập hoàn toàn không như mầm non. Trẻ không còn “vừa học vừa chơi” nữa mà phải học cách tiếp nhận kiến thức, làm quen với nề nếp và tuân thủ giờ giấc, kỷ luật của nhà trường. Môi trường mới đòi hỏi các bé sự tập trung, ý thức tự giác, tự lập cao hơn. 

Chị Oanh chia sẻ, từ mầm non lên lớp 1 có sự khác biệt khá lớn lượng kiến thức. Do đó, ngay từ đầu hè, chị đã đăng ký cho con học thêm ở trung tâm, làm quen các môn Toán, tiếng Việt, luyện chữ viết. Bên cạnh đó, hằng ngày vào các buổi tối chị đều dành thời gian để kèm thêm cho cháu cách đọc, viết để chuẩn bị cho con lượng kiến thức cơ bản bước chân vào lớp 1 một cách vững vàng. Sau 1 tháng học, đến nay cháu Lưu Trần Phương Thảo (con chị Oanh) đã có thể đánh vần các chữ cái trong sách tiếng Việt lớp 1, viết chữ thành thạo và làm toán lớp 1 cộng trừ phạm vi số 10.

“Con đã biết làm Toán, biết viết, viết đọc. Con rất mong vào lớp 1, con sẽ cố gắng học giỏi để cho ba mẹ vui lòng”, cháu Phương Thảo chia sẻ.

“Cũng như các bà mẹ khác, tôi rất hồi hộp và lo lắng. Để chuẩn bị cho con, tôi cũng hướng dẫn cho cháu những kỹ năng cơ bản như đi vệ sinh, tự ngủ, biết xin cô ra ngoài, tự ăn uống… để cháu bước chân vào lớp 1 vững vàng, không có sự bỡ ngỡ”, chị Trần Thị Tuyết Oanh chia sẻ.

Những lo lắng của các bậc cha mẹ đều hoàn toàn có lý do. Đây cũng là tâm lý chung của các gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1. Chính vì thế, ngay từ tháng 5, trên các hội, nhóm facebook đã có nhiều bài tìm kiếm các lớp “hành trang lớp 1”, “tiền tiểu học”, “rèn chữ”... với quan điểm để con cố gắng trước khi vào lớp 1, cả bố mẹ và con đều đỡ vất vả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tâm lý trên có thể trở thành một áp lực vô hình đối với con em mình.

Theo Tiến sỹ tâm lý học Vũ Thị Thanh Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, tình trạng lo lắng của phụ huynh khá phổ biến. Nhiều phụ huynh lo sợ con vào lớp 1 không theo kịp bạn bè, đặc biệt là Chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay nên đã cho con học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, đây là việc “lợi bất cập hại”, phụ huynh không nên cho trẻ đi học trước chương trình lớp 1.

Tiến sỹ tâm lý học Vũ Thị Thanh Hiển cho rằng, các cháu ở lứa tuổi này thích thú với những điều mới lạ. Việc đã học trước chương trình lớp 1 có khả năng tạo cho trẻ tâm lý chủ quan, không tập trung vào bài học, từ đó có thể trở thành thói quen xấu. Bên cạnh đó, ngón tay của các cháu ở giai đoạn mẫu giáo chưa phát triển hoàn thiện. Phụ huynh yêu cầu con tập viết nhiều giờ gây mỏi tay, tạo tâm lý sợ, mệt mỏi với việc đến trường đi học.

Các chuyên gia đánh giá, giai đoạn trẻ bước vào lớp 1 là bước ngoặt tâm lý, do đó, để tạo tâm lý sẵn sàng cho trẻ, phụ huynh cần phối hợp với giáo viên mầm non chuẩn bị tốt cho con tâm thế trở thành một học sinh; tạo cho trẻ thích ứng môi trường học tập, háo hức đến trường. Bên cạnh đó, phụ huynh cần dạy cho trẻ các kỹ năng tiền học đọc, tiền học viết như nhận biết tốt các chữ cái, con số, phát âm, tô màu… Đây sẽ là cơ sở cho trẻ học tốt chương trình lớp 1.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh khuyến cáo, việc phụ huynh cho con học trước chương trình là điều không nên. Phụ huynh không thể ép học sinh vào khuôn mẫu, áp lực đó không phải phương pháp tối ưu để phát triển trí tuệ người học. Theo phương pháp dạy học mới, theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học, việc học trước không phải giải pháp có thể cho con mình học tốt hơn, giỏi hơn. Vì vậy, thay bằng việc học trước kiến thức, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng cho con để giúp các cháu có thể tự tin hơn; luôn động viên, khuyến khích đúng lúc để con yêu thích với việc học; cho con tham gia các chương trình ngày hội đến trường. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể định hướng cho con đặt mục tiêu của bản thân để con cố gắng theo một cách tự nhiên nhất…

Nguyên Dung (TTXVN)
Hà Nội: Hạ điểm chuẩn lớp 10 các trường Trung học phổ thông công lập năm học 2024 - 2025
Hà Nội: Hạ điểm chuẩn lớp 10 các trường Trung học phổ thông công lập năm học 2024 - 2025

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 17/QĐ-SGDĐT ngày 12/7/2024 phê duyệt điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2024 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN