Mạng lưới tình nguyện viên tại cộng đồng đến từng thôn, bản đã giúp phát hiện và hỗ trợ kịp thời, đưa những học sinh bỏ học quay lại trường; ngăn ngừa bỏ học đối với những trường hợp nguy cơ cao. Mô hình này đang áp dụng và cho thấy hiệu quả tại một số xã, phường.
Em Nguyễn Văn Hào (thứ 3 từ trái sang) do gia đình quá khó khăn đã phải bỏ học. Nhờ được các cộng tác viên Mạng lưới bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa trẻ em bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng phường Ninh Hải (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) giúp đỡ, hỗ trợ em đã quay trở lại trường học. |
Cẩm Đàn là một xã miền núi của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ hộ nghèo khá cao (năm 2010 còn khoảng 60%), số hộ dân tộc thiểu số chiếm 72% nên luôn đối mặt với nguy cơ trẻ em bỏ học. Năm 2009, Mạng lưới bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa trẻ em bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng của xã gồm 15 cộng tác viên và nhóm 6 trẻ nòng cốt được xây dựng. Mạng lưới này do Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em xã Cẩm Đàn thực hiện với nguồn kinh phí do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia tài trợ qua dự án "Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa trẻ em bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng".
Theo chị Bùi Thị Nghĩa, một cộng tác viên xuất sắc của mạng lưới, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bỏ học của trẻ em trên địa bàn. "Có 3/7 thôn ven sông đi lại khó khăn, có em còn phải đi mảng để qua sông đến lớp, khá nguy hiểm, dẫn đến việc các em đi học không đều, kết quả học tập yếu nên có tư tưởng bỏ học. Mặt khác, một số phụ huynh chưa quan tâm và tạo điều kiện cho con em học tập", chị Nghĩa cho biết.
Thực hiện dự án, danh sách trẻ có hoàn cảnh khó khăn được các cộng tác viên xây dựng, sau đó các cộng tác viên đến từng gia đình để thuyết phục bố mẹ của trẻ, cũng như xây dựng tại các trường nhóm trẻ em nòng cốt giúp đỡ bạn trong học tập. Những trường hợp học sinh có học lực yếu được thống kê danh sách và đề xuất dự án hỗ trợ kinh phí học phụ đạo. Những trẻ con nhà nghèo được đề nghị hỗ trợ học bổng. Nhờ những biện pháp giúp đỡ đó, 2 năm qua, không có học sinh nào phải bỏ học trong số các em thuộc đối tượng này.
Em Lục Văn Ngọc (thôn Cẩm Đàn, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) là một ví dụ. Mẹ bỏ nhà đi, Ngọc sống với bố, gia cảnh rất khó khăn. Sang cấp hai, Ngọc thường phải nghỉ học. Hoàng Sao Băng - đội trưởng đội cộng tác viên trẻ em nòng cốt của Mạng lưới bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa trẻ em bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng của xã nhớ lại: "Sau khi được các cô chú trong mạng lưới tư vấn, em và các bạn trong đội trẻ nòng cốt đã cùng các bạn ở trường góp sách tặng bạn đi học, giúp Ngọc làm các việc nhà như mùa cấy thì đến cấy giúp, mùa gặt thì gặt hộ cho bạn. Sau đó, Ngọc đi học lại và hiện nay đã tốt nghiệp cấp hai”.
Hiện nay, trên cả nước có 7 xã/phường đang triển khai mạng lưới trên. Đó là: xã Cẩm Đàn (Sơn Động, Bắc Giang), phường Ninh Hải (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa), xã Tòng Sành (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), phường Kim Long (TP Huế), phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) và xã Hòa Phú (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).
Trong quá trình hoạt động, các cộng tác viên gặp không ít khó khăn. Chị Lương Thị Kim Tươi, cộng tác viên mạng lưới của phường Ninh Hải (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) chia sẻ: "Ở phường tôi, đa số người dân sống bằng nghề đi biển, cả phường có 158 hộ nghèo và 246 hộ cận nghèo. Hầu hết trẻ em, nhất là trẻ em trai, cứ 13 tuổi là theo bố đi biển đánh cá nên rất nhiều em phải bỏ học giữa chừng".
"Có một số phụ huynh do ít học, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là nếu cho con đi học vừa tốn tiền vừa không có người đi biển nên khi tôi đến vận động gia đình đề nghị đừng bắt con nghỉ học thì bị họ mắng như tát nước vào mặt. Tuy nhiên, sau đó, tôi vẫn kiên trì đến. Hai, ba, bốn lần cứ thuyết phục mãi rồi họ cũng nghe và không bắt con bỏ học nữa", chị Tươi kể. Để kết quả được bền vững, chị Tươi còn kết hợp với hội khuyến học và đề xuất chính quyền địa phương có nhiều cách hỗ trợ để động viên những em này học tập.
Qua 3 năm triển khai, các địa phương nói trên đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên nòng cốt nhiệt tình, có kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và được đào tạo cơ bản; đồng thời, hình thành được nhóm trẻ em nòng cốt tham gia tích cực vào việc vận động, giúp đỡ để các bạn không bỏ học. Trong 3 năm, 255 học sinh có nguy cơ cao về bỏ học đã được thăm hỏi thường xuyên và trợ giúp kịp thời bằng nhiều biện pháp có sự hợp tác giữa gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, nhờ các chương trình truyền thông của mạng lưới thực hiện tại địa bàn triển khai dự án, nhận thức của người dân, đoàn thể, chính quyền được nâng lên cao hơn rõ rệt so với những địa bàn khác. Từ đó, tùy theo khả năng mà các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em chung tay tháo gỡ những khó khăn và đã không làm tăng nguy cơ trẻ bỏ học.
Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phương pháp can thiệp tác động đến những nguyên nhân nguy cơ trẻ bỏ học thông qua những đội ngũ được tập huấn và có hiểu biết về quyền trẻ em của mạng lưới đã thu được hiệu quả rõ rệt tại một số địa phương. Nếu các mô hình của mạng lưới được mở rộng, cùng với các biện pháp hỗ trợ của ngành giáo dục và phong trào của các đoàn thể hiện nay, thì tình trạng trẻ em bỏ học sẽ được ngăn chặn và hạn chế hiệu quả.
Bài và ảnh: Mạnh Minh