Cha mẹ đồng hành
Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục xác định việc học trực tuyến sẽ trở thành việc lâu dài. Đặc biệt, bậc tiểu học việc chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến khiến các gia đình, thầy cô đều cảm thấy bỡ ngỡ và căng thẳng.
Theo các chuyên gia giáo dục, bên cạnh sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết (băng thông, đường truyền) thì còn rất nhiều yếu tố liên quan đến an toàn khi trẻ học online cần có sự đồng hành của cha mẹ.
Theo PGS TS Trần Thành Nam, Chủ nghiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Để học được online, học sinh cấp 1 cần được đảm bảo hai yếu tố: An toàn và thoải mái. Khi nói đến an toàn, tôi không chỉ muốn nói đến là an toàn trước các tai nạn thương tích có thể xảy ra trong nhà như bỏng, ngã, điện giật, ngộp nước trong bồn tắm, bị thương bởi các vật sắc nhọn mà còn cả những nguy cơ trên mạng internet khi con học trực tuyến nữa”.
“Nguyên tắc an toàn đối với những đứa trẻ từ 10 tuổi trở xuống là không được phép để trẻ ở một mình không kiểm soát quá 4 tiếng. Cha mẹ cũng không được để đứa trẻ 10 tuổi trông đứa trẻ 6 tuổi mà không có sự để mắt của người lớn. Trong các tình huống phải ở một mình lâu, đứa trẻ có thể trở nên rất lo lắng và mất kiểm soát hành vi", PGS TS Trần Thành Nam cho biết.
PGS TS Trần Thành Nam cho rằng, các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích là một nội dung của chương trình Đạo đức 1. Có nghĩa là các con ngay từ lớp 1 đã được học để nhận ra các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn do điện giật. Học sinh hiểu được nguyên tắc an toàn phòng tránh tai nạn điện giật. Thậm chí, học sinh có khả năng xử lý các tình huống nguy hiểm do điện giật cũng nhắc nhở người khác thực hiện. Câu hỏi đặt ra là chương trình đã được dạy như thế nào, bố mẹ đã đồng hành giúp con kết nối tri thức với cuộc sống ra sao để những kỹ năng an toàn cơ bản này vẫn chưa thể hình thành khi con đã học lớp 4.
Chia sẻ về sự đồng hành của phụ huynh trong việc học trực tuyến học sinh cấp I, đặc biệt, lớp 1 và lớp 2, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Việc đầu tiên và quan trọng nhất là nhà trường phải liên hệ phụ huynh để biết hoàn cảnh gia đình cũng như đáp ứng khả năng học tập đến đâu. Trường hợp học sinh hoàn cảnh khó khăn thì phải báo cáo chính quyền để có giải pháp hỗ trợ. Gia đình không đủ điều kiện để học trực tuyến thì các trường phải chuyển sang học qua truyền hình".
Theo TS Thái Văn Tài, nhà trường phải có thông tin đầy đủ của học sinh mới xác định được hình thức dạy phù hợp. Việc xếp lớp học trực tuyến cũng phải linh hoạt, phù hợp đối tượng, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Các em còn nhỏ, khi học luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn học trực tuyến an toàn tại nhà. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
An toàn trên không gian mạng
Nhiều phụ huynh đang lo lắng rằng con ở nhà cả ngày sẽ rất dễ lạm dụng các thiết bị điện từ để vào mạng xã hội, dễ bị tiếp xúc với những nội dung giải trí không lành mạnh. Vậy, cha mẹ cần có những giải pháp nào để hạn chế hoặc ngăn chặn điều này? Đó là câu hỏi mà không ít các bậc phụ huynh quan tâm, nhất là trong bối cảnh các con học trực tuyến và việc sử dụng các thiết bị công nghệ để truy cập mạng internet.
Theo PGS TS Trần Thành Nam, khi trẻ trên môi trường mạng internet đối diện với 5 nguy cơ: Sử dụng quá mức, bị lạm dụng và trở nên nghiện internet, nghiện mạng xã hội hoặc game online; Con có thể bị theo dõi, thu thập và sử dụng các thông tin cá nhân, con có thể bị đánh cắp, bị truy cập các tài khoản với mục đích xấu như lừa đảo; Con có thể bị dẫn dắt bởi tin giả, các thông tin sai lệch, thông tin và văn hóa phẩm đồi trụy, thư rác; Con có thể trở thành nạn nhân bị bạo lực, bắt nạt và quấy rối qua mạng bằng nhiều hình thức như đe dọa, tung thông tin bôi xấu danh dự; Các thiết bị của con có thể bị dính phần mềm độc hại và virus có thể tấn công, làm mất an toàn dữ liệu cũng như các hệ thống liên quan của thiết bị đó.
Từ những vấn đề đó, theo PGS TS Trần Thành Nam cha mẹ cần trò chuyện thường xuyên với trẻ. Chẳng hạn, khi dành quá nhiều thời gian trên mạng con có thể có các vấn đề về mắt, nhức và mỏi mắt, khô mắt, thị lực giảm do ảnh hưởng từ ánh sáng xanh. Con cũng có thể có các vấn đề về cổ, về lưng, đau đầu, mất ngủ và stress khiến con trở nên cáu bẳn và bực bội…
Bằng cách trò chuyện với con với những câu hỏi như: Con có từng cảm thấy mình dùng quá nhiều thời gian lên mạng không? Tại sao có và tại sao không? Để tránh mất cân bằng con có thể tự hỏi về thời gian trực tuyến của con. Liệu nó có ảnh hưởng gì đến việc con phải hoàn thành các trách nhiệm và công việc khác như học tập, việc nhà hay sở thích cá nhân trước đây không? Nó có gây ra bất kỳ một ảnh hưởng tiêu cực nào đến thể chất và tinh thần của con như đau mỏi mắt, cổ, lưng, mất ngủ, dễ cáu không?”. Nếu câu trả lời là “có” thì hãy để bố mẹ giúp con cân bằng cách sát sao lại thời khoá biểu học tập, kết nối với thầy cô để con có thời gian học online hợp lý.
PGS TS Trần Thành Nam cho rằng, gia đình và nhà trường cần có sự kết nối nhằm sáng tạo trong cách định hướng hoạt động của con trên thế giới số thành hoạt động trong cuộc sống thực.