Kỳ thi THPT quốc gia có 3 mục tiêu chính, đó là dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp dữ liệu để các trường làm cơ sở xét tuyển ĐH, cung cấp thông tin đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương.
Đánh giá hiệu quả xét tuyển đại học (ĐH) từ phổ điểm, TS Quách Tấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, khi nhìn phổ điểm theo tổ hợp 3 môn của từng khối thi năm nay, có thể thấy các trường đại học sẽ không thể tuyển sinh “ồ ạt” được.
“Cá nhân tôi đánh giá năm nay đề thi tiến bộ rất nhiều”, TS Quách Tuấn Ngọc nhận định.
TS Quách Tấn Ngọc cho rằng, phổ điểm chuẩn phải lệch sang phải một chút, nhưng sườn bên phải chỉ được “chạm” điểm 10, không được lệch quá nhiều. Khi so sánh với phổ điểm năm 2018, TS Quách Tấn Ngọc nhận định: “Phổ điểm 3 môn vật lý, hóa học, địa lý hơi lệch sang phải, như vậy là ổn định. Phổ điểm môn sinh học phân phối tương đối chuẩn. Đề sinh học năm nay thuộc loại tương đối khó”. Tương tự, ông Ngọc cũng đánh giá đề thi lịch sử năm nay tương đối khó, vì phổ điểm hơi lệch trái. Nhận xét về phổ điểm môn văn, TS Quách Tuấn Ngọc cho hay: “Phổ điểm môn văn từ thời ba chung đều lô nhô như thế cả”.
Trước những băn khoăn về điểm thi môn Giáo dục công dân cao, ông Ngọc nhìn nhận: Chúng ta không nên quá lăn tăn với việc có nhiều bài thi đạt điểm cao, mà nên coi đó là đương nhiên vì “trong 9 môn thi chỉ có môn này dễ gỡ điểm”.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Đỗ Văn Xê (Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương) cho rằng : “Môn giáo dục công dân có nhiều điểm cao cũng là điều hết sức bình thường, vì đề thi đề cập tới những vấn đề, kiến thức quen thuộc, thường thức mà các em vẫn gặp ngoài cuộc sống. Do vậy, chúng ta không nên bận tâm đề đó chuẩn hay không chuẩn”.
Còn theo TS Thái Sơn (ĐH Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh), phổ điểm các tổ hợp truyền thống để xét tuyển đại học năm rất đẹp, có tính phân hóa cao, tạo điều kiện cho các trường xác định ngưỡng điểm để tuyển sinh. Chẳng hạn, phổ điểm tầm 20 điểm trở lên có độ phân bố đều (gần 20.000 bài thi). Phổ điểm từ 24 trở lên thì có độ dốc khá lớn (6.000 bài thi). Qua đó, có thể thấy nguồn tuyển cho các trường top trên và top giữa khá dồi dào.
Theo TS Thái Sơn, mặc dù các trường ĐH đều có đề án tuyển sinh và có phương án tuyển sinh riêng nhưng hầu hết các trường đều sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển.
“Tôi cho đây là một căn cứ đáng tin cậy vì được đánh giá bằng một đề thi chung trên toàn quốc. Với phổ điểm như vậy, tôi tin rằng thí sinh nào thực sự giỏi thì đã biết lựa chọn trường nào phù hợp với mình” TS Thái Sơn nhận định.
TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng GD (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Để phục vụ cho 3 mục tiêu trên, khi xây dựng đề thi, Ban làm đề đã dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng đầu ra của chương trình phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Cấu trúc của đề có 60% phần cơ bản, còn lại có một số câu hỏi đảm bảo độ phân hóa của đề thi”.
TS Sái Công Hồng nhận định, nhìn chung phổ điểm các môn thi năm nay hầu như đạt được các mục tiêu đã đề ra, các môn thi đều có điểm trung bình và trung vị phân bổ từ khoảng 5 - 6. Về phổ điểm theo khối, năm nay khối A0 có điểm trung bình gần 18, tăng hơn so với 2018. Tổ hợp A1 điểm trung bình từ 17 tới 18; khối B điểm trung bình cũng từ 16 – 17 điểm. Phổ điểm các khối đều lệch phải, khoảng 75% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên cho 3 môn tổ hợp.