Một góc trường Phổ thông Cao Sơn (làng Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). |
Hiện 17 cán bộ giáo viên của nhà trường đều là các thầy giáo. Mặc dù điều kiện đi lại và sinh hoạt còn nhiều khó khăn, các thầy giáo tại điểm trường này vẫn nỗ lực không ngừng, quyết tâm bám lớp, bám trường để đem con chữ đến với trẻ em vùng cao.
Gian nan “cõng chữ” lên ngànNgôi trường nằm trên điểm cao nhất của đỉnh Pù Luông, để đến được với thầy giáo và các em học sinh nơi đây chỉ có con đường duy nhất là phải vượt qua cung đường đèo Pà Hé với những dốc cao hun hút, dựng đứng, gấp khúc.
Dưới chân đèo, thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Cao Sơn cùng với hai cán bộ giáo viên đã chờ sẵn để đón chúng tôi lên, bởi chỉ có những người đã từng đi quen cung đường này với những chiếc xe chuyên dụng đã được bảo dưỡng như thay dầu, tăng xích, chỉnh phanh mới đảm bảo an toàn để vượt qua đèo.
Những chiếc xe số đã chinh chiến nhiều cung đường đèo bắt đầu lùi về số 2, rồi số 1, tay ga kéo hết cỡ để ì ạch leo từng đoạn dốc, những điểm cua gấp khúc không khỏi rợn tóc gáy. Trên cao, những mỏm đá cheo veo trực rơi xuống bất cứ lúc nào. Con đường nhỏ ngoằn nghèo lọt thỏm giữa những vách núi cao dựng đứng.
Giờ ra chơi của học sinh cấp Tiểu học trường Phổ thông Cao Sơn. |
Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống phía dưới mới thấy khâm phục những giáo viên nơi đây khi hàng ngày, hàng tuần họ vẫn phải thường xuyên vượt qua đèo cao, vực sâu bất chấp nguy hiểm để "cõng" con chữ đến với trẻ em vùng cao. Và câu hỏi vì sao từ ngày thành lập trường đến nay điểm trường này chưa từng có giáo viên nữ đến nhận công tác đã có câu trả lời thỏa đáng…
Thầy Trịnh Công Định chia sẻ: Con đường này cũng mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng được hơn một năm nay. Trước đây để đến được trường, các thầy phải gửi xe máy dưới chân đèo rồi leo bộ lên. Những hôm nắng ráo không sao, nhưng nếu trời mưa đường trơn trượt, đi từ sáng mãi đến tối muộn mới lên được trường.
Các thầy giáo là những người trực tiếp uốn nắn cho học sinh từng nét chữ, luyện cho các em từng cách phát âm và tiếp thu các kiến thức từ sách giáo khoa một cách hiệu quả nhất. |
Ngày mới ra trường, nhận được quyết định lên Cao Sơn công tác, thầy Nguyễn Ngọc Hải (quê Vĩnh Lộc) đã rất hào hứng vì có thể đem sức trẻ, đem con chữ đến với trẻ em vùng cao. Tuy nhiên, sau gần một ngày trời trèo đèo, thầy mới đến được điểm trường. Khi lên đến nơi trời cũng vừa tối, thầy đã thực sự nản trí khi nhìn thấy một khu lán dựng tạm nằm đìu hiu trong màn sương dày đặc sẽ là nơi thầy công tác.
Đã bao lần, thầy Hải có ý định “bỏ nghề” nhưng rồi cứ nấn ná, dần dần thành quen. Đến nay, đã 10 năm có lẻ, thầy gắn bó với ngôi trường này, điểm trường đã là mái nhà thứ 2 và các em học sinh nơi đây cũng chính là niềm vui, là động lực để thầy tiếp tục cống hiến.
Nghị lực và sự hy sinh thầm lặngTrường Phổ thông Cao Sơn hiện có 9 lớp học với 106 học sinh ở cả hai cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó lớp nhiều nhất 19 học sinh, lớp học ít nhất chỉ có 9 học sinh. Vì điều kiện khó khăn, phải băng qua núi cao, rừng rậm, các em không thể xuống dưới trung tâm xã để học. Do vậy, chương trình giáo dục được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 9.
Học sinh của nhà trường 100% là dân tộc Thái, giao tiếp chủ bằng tiếng dân tộc, nói tiếng kinh chưa sõi. Các thầy giáo đã trực tiếp uốn nắn cho các em những nét chữ, luyện cho các em từng cách phát âm để có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng phổ thông và tiếp thu các kiến thức từ sách giáo khoa một cách hiệu quả nhất.
Hằng ngày, các thầy phân công nhau làm công việc nội trợ, nên ngoài giờ lên lớp, các thầy còn là những “đầu bếp” thực thụ. |
Được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, càng thêm khâm phục nghị lực và sự hy sinh thầm lặng của các thầy giáo nơi đây trong sự nghiệp trồng người nơi vùng đất khó. Do điều kiện đi lại khó khăn, xa chợ, xa trung tâm, bữa ăn hàng ngày của các thầy giáo ở đây cũng đơn giản và đạm bạc. Đồ ăn chủ yếu là cá khô, trứng, đậu lạc được mang lên sau những lần về thăm quê có thể bảo quản được lâu dài. Hàng ngày, các thầy phân công nhau làm nhiệm vụ nội trợ, ngoài giờ lên lớp, các thầy còn là những “đầu bếp” thực thụ.
Lũng Cao vẫn chưa có điện lưới, cuộc sống của các thầy ở đây còn nhiều
thiếu thốn với 4 không “không điện, không sóng điện thoại, không tivi,
không máy tính”. Chia sẻ về những khó khăn, thầy Hà Văn Hòa cho biết:
Không điện sinh hoạt, tôi và các đồng nghiệp thường phải thắp đèn soạn
giáo án. Sóng điện thoại yếu nên mỗi lần liên lạc về quê, các thầy phải
thay phiên nhau trèo lên cây để “câu sóng”, nhưng cũng chỉ hỏi thăm được
dăm ba câu…”.
Thời tiết ở Cao Sơn được ví như “Sa Pa thứ 2 trong lòng
Thanh Hóa”. Tuy nhiên, mùa Đông ở đây rất khắc nghiệt. Trong khi đó, ba
phòng ở bán trú của cán bộ giáo viên đã xuống cấp, mối mọt nhiều, những
tấm gỗ bao tạm không ngăn được gió lạnh và sương ùa vào phòng. Hàng
ngày, các thầy phải đốt một đống lửa nhỏ quây quần bên nhau vừa soạn
bài, vừa trò chuyện…
Học sinh của nhà trường 100% là dân tộc Thái, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng dân tộc, nói tiếng Việt chưa sõi. |
Khó khăn chồng chất khó khăn là thế. Nhưng khi được hỏi động lực nào để bám trụ lại để mang con chữ đến với học trò, các thầy tại ngôi trường này đều chia sẻ đó là “cơ duyên” rồi dần dần quen. Nếu như không có một trái tim đầy tình yêu và sự hy sinh thầm lặng, các thầy giáo nơi đây sẽ không thể vượt qua được khó khăn để tiếp tục bám lớp, bám trường.
Hy vọng rằng, thời gian tới các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa để các thầy giáo có thêm động lực tiếp tục cống hiến, miệt mài gieo cấy những “mùa chữ” trên mảnh đất cao chọc trời với vô vàn những khó khăn, thiếu thốn này.