Đây là bản xa nhất và thuộc diện khó khăn nhất trong 6 bản của xã. Lọt thỏm giữa tứ bề là đồi và núi đá sừng sững, giao thông chia cắt, cách trở, điều kiện tự nhiên bất lợi nhưng hơn 10 năm qua, các thầy cô giáo ở điểm trường đã vượt qua mọi khó khăn để ươm mầm con chữ nơi vùng đất quanh năm đầy mây mù, nắng gió.
Na Ư là xã biên giới phía Tây Nam, một trong 25 xã của huyện Điện Biên. Toàn xã có 6 bản, hơn 320 hộ, với hơn 1.600 nhân khẩu. Để đến được trung tâm xã Na Ư phải ngược dốc Na Hai, đèo Tây Trang bằng Quốc lộ 279 với nhiều dốc cao, hủm sâu, vượt qua dãy núi Ca Hâu quanh co, hiểm trở trong mịt mù sương lạnh. Nếu không có con đường độc đạo dài 9,3 km vắt vẻo lưng chừng núi lắm vực sâu, quanh co, cỏ tranh mọc ngổn ngang trên mặt đường, khó ai tin được trong thung lũng tứ bề là đá này lại có người dân sinh sống. Trên hành trình ấy, để “củng cố” lại tinh thần, chúng tôi phải 3 lần dừng chân lấy sức.
Vượt cây cầu gỗ cuối cùng bắc qua con suối, chúng tôi đặt chân vào bản Púng Bửa - nơi có 24 hộ dân của cộng đồng Mông sinh sống. Dưới chân núi phía bên kia, ngăn cách với dòng suối cạn là cộng đồng người Mông bản Na Côm (xã Hẹ Muông). Điểm trường bản Púng Bửa có 29 cháu, độ tuổi từ 1 đến 5, đều là con em đồng bào Mông của hai bản Púng Bửa và Na Côm theo học. Cô Lường Thị Thu (sinh năm 1985) và cô Quàng Thị Phương (sinh 1996) đảm nhiệm việc dạy dỗ, chăm sóc các cháu.
Hơn 10 năm công tác trong nghề, cô giáo Lường Thị Thu đã từng “cắm” ở những địa bàn rất khó khăn, gian khổ của các bản vùng cao như Háng Sua, Tao La, xã Tà Dình (huyện Điện Biên Đông). Mỗi vùng đất với đặc thù miền núi, vùng sâu, vùng xa nên có những khó khăn, trở ngại riêng nhưng khi quay trở lại Na Ư, vào Púng Bửa, mọi khó khăn mới rõ ràng nhất.
Theo cô Thu và cô Phương, khó khăn lớn nhất đối với giáo viên ở điểm trường là bất đồng ngôn ngữ với học sinh người Mông. Để truyền tải được kiến thức đến học sinh, các cô phải tự học và sử dụng thành thạo tiếng Mông. Phương pháp tương tác với học trò theo kiểu “song ngữ” tiếng Việt - tiếng Mông sẽ giúp các cháu mau thuộc bài, nắm được kỹ năng thực hành. Đến nay, các cô đã sử dụng thành thạo tiếng Mông để giao tiếp cùng người dân trong bản và tương tác với học sinh.
Hai cô giáo bắt đầu một ngày mới bằng việc dọn dẹp khuôn viên trường, lau chùi bàn ghế, quét dọn phòng học, đón học sinh vào lớp, dạy múa, hát, dạy các cháu tập thể dục, cho các cháu ăn, giặt giũ quần áo cho học sinh...
Được tận mắt chứng kiến các cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh, tận dụng giờ nghỉ trưa để chăm sóc vườn hoa, tạo cảnh quan khuôn viên trường, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn, chúng tôi càng cảm nhận hết sự tận tụy với nghề, tình yêu thương mà các cô dành cho con trẻ.
Hai cô giáo chia sẻ, khó khăn dễ thấy nhất ở địa bàn này là điện lưới chưa có, phải dùng nước suối theo ống dẫn chảy về để sinh hoạt (chỉ đủ dùng ít tháng, các tháng mùa khô, hai cô và người dân phải dùng nước ngoài suối); đường giao thông hiểm trở, ngày nắng bụi mù, ngày mưa trơn trượt... Đặc biệt, khí hậu ở khu vực này rất khắc nghiệt, mùa khô nóng bức, khô rát, có cảm giác như gió Lào lúc nào cũng càn quét qua thung lũng. Mùa lạnh, nhiệt độ giảm sâu đến tê cóng chân tay.
Cô Lường Thị Thu cho hay, tấm biển quy định thời gian đón, trả trẻ theo hai mùa trong năm được treo ở ngoài cổng trường nhưng thực tế, tập quán sinh hoạt, phương thức lao động của người dân địa phương đòi hỏi cô và đồng nghiệp phải “phá vỡ” quy định ấy để có lợi cho người dân. Từ sáng sớm tinh mơ, các cô đã phải thức giấc để trông giữ học sinh cho phụ huynh lên nương, khi bóng đêm nhá nhem phủ lên bản làng, phụ huynh mới về bản đến điểm trường đón các cháu. Chính vì vậy, ngày nào, các cô cũng phải tăng giờ làm, nhịp sống sinh hoạt, nghỉ ngơi thay đổi cho phù hợp.
Nhà và gia đình các cô giáo ở huyện Điện Biên, cách điểm trường gần 50 km. Chỉ cuối tuần, các cô mới về với gia đình. Ngày Chủ nhật, các cô sẽ mua sắm đủ lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ việc nấu ăn cho học sinh và đồ dùng sinh hoạt cá nhân cần thiết để chiều cùng ngày lại vất vả vượt hành trình gian nan trở lại điểm trường. Trong những lần về nhà như thế, hai cô tranh thủ đi đến các gia đình nơi mình sinh sống để vận động mọi người ủng hộ quần áo, nguồn thực phẩm, cá khô mang vào cho học sinh.
Cô Lường Thị Thu nói vui, “ở Púng Bửa, ban ngày, tuy vất vả nhưng hai chị em chúng tôi muốn ngày cứ dài hơn, thời gian chậm lại, còn đêm trôi đi thật nhanh để trời mau sáng”. Bởi theo hai cô, ban đêm, thung lũng Púng Bửa thật vắng và buồn. Khi mặt trời lặn, sự tĩnh lặng của núi rừng mau chóng bao phủ điểm trường, bản làng. Chút ánh sáng đèn điện yếu ớt, vàng vọt chạy bằng tu-bin đặt dưới suối từ một vài gia đình hắt ra nhưng cũng mau chóng tắt đi. Để có nguồn sáng làm việc ban đêm, hai cô phải dùng ánh sáng từ những chiếc điện thoại cá nhân. Khi nào điện thoại hết pin, hai cô sạc bằng những cục pin dự phòng được sạc đầy mỗi khi về với gia đình. Tuy nhiên, nguồn điện năng này chỉ đủ cung cấp cho các cô những ngày đầu tuần, còn lại hai cô phải thắp nến.
Những ngày các cô ở điểm trường, việc trao đổi với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, người thân đều nhờ vào điện thoại. Tuy nhiên, điểm trường Púng Bửa chỉ có vị trí “bắt” được sóng điện thoại: cửa sổ khu nhà gỗ và cửa sổ ngôi nhà xây dựng. Phát hiện ra hai địa điểm này có sóng điện thoại cũng là nhờ cô Lường Thị Thu đã mất nhiều ngày dò tìm từ thời điểm mới vào Púng Bửa công tác. Hằng ngày, hai cô đều để điện thoại ở những vị trí này để có thể nhận biết có người gọi điện và gọi được cho mình.
Cô Quàng Thị Phương vào điểm bản Púng Bửa công tác từ tháng 2/2018, qua thời gian công tác, những khó khăn, vất vả ở đây cô đã “nếm đủ”. Cô Lường Thị Thu có thâm niên lâu hơn, đây là năm thứ 3 cô “cắm bản” ở địa bàn. Điều đáng trân trọng là trong hoàn cảnh khó khăn, hai cô luôn đoàn kết, thương yêu, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp trong trường quý mến, người dân ở hai bản Na Côm, Púng Bửa tin yêu, coi như người con của bản.
Niềm vui lớn nhất mà hai cô coi như động lực để yêu nghề, phấn đấu công tác là cứ mỗi chiều Chủ nhật, khi trở lại điểm trường, học sinh đã chờ sẵn nơi gần cây cầu bắc qua suối cạn đầu bản để đón các cô. “Khi các cháu chạy lại, reo vang “cô Thu, cô Phương đến rồi”, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thế mới hiểu được rằng, thời gian xa nhau, học trò nhớ mình nhiều”, cô Lường Thị Thu chia sẻ.
Chia tay các cô khi mặt trời gác núi, ánh nắng cuối ngày le lói trên đỉnh Ca Hâu, đọng lại trong chúng tôi là câu nói mà cô Thu chia sẻ: “Vì thấu hiểu, cảm thông với những vất vả của người dân ở đất khó Púng Bửa, Na Côm, chúng tôi coi học trò nơi đây như con em của mình nên vào dịp nghỉ hè phải xa điểm trường, chúng tôi lại nhớ các cháu, nhớ bà con, rồi lại gọi điện vào bản hỏi thăm mọi người. Được nghe giọng học trò của mình qua điện thoại, chúng tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ”.