Đi để cống hiến và trưởng thành
Từ đất liền, phương tiện di chuyển duy nhất ra xã Thạnh An là đi đò trong 45 phút. Những ngày mưa hay biển động việc đi lại khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Cuộc sống ở đây không được đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần, hơn nữa lại phải xa gia đình, điều kiện đi lại khó khăn… nhưng những điều này không làm nản lòng giáo viên trẻ tình nguyện đến và gắn bó với đảo.
Gia đình ở Quảng Trị, có người yêu công tác ở một quận trung tâm TP Hồ Chí Minh nhưng cô Trần Thị Hà My (24 tuổi, giáo viên Lịch sử) quyết định đến với xã đảo Thạnh An. Hai năm trước, sau khi ra trường, Hà My làm giáo viên hợp đồng tại một trường Trung học Phổ thông ở quận Bình Thạnh.
Năm học vừa qua, khi thành phố xét tuyển giáo viên tình nguyện giảng dạy tại Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An, huyện Cần Giờ, cô Hà My làm đơn xin tình nguyện dạy tại đây. “Mong muốn lớn nhất của tôi là được đi dạy, được đứng trên bục giảng. Dù ở đâu, khó khăn như thế nào, tôi cũng có thể cố gắng được. Điều kiện ở đây tuy còn khó khăn nhưng thấy các em học sinh ham học, tôi càng có động lực để gắn bó với trường hơn” - cô Hà My chia sẻ.
Cùng đợt tình nguyện với Hà My còn có Trần Thị Thúy Quyên, 23 tuổi, giáo viên Toán. Quê ở Long An. Học đại học ở Cần Thơ, Thúy Quyên lại lựa chọn xã đảo xa xôi này là nơi gắn bó sự nghiệp trồng người của mình. Dù trước đó chưa biết đến cuộc sống nơi đây như thế nào nhưng cô Thúy Quyên vẫn đăng ký tình nguyện ra đảo, bởi theo cô tuổi trẻ nên thử thách bản thân mình ở những nơi điều kiện còn khó khăn để trưởng thành hơn và cũng qua đó góp công sức nhỏ bé của mình làm điều có ích cho xã hội. Cô Quyên chia sẻ, học sinh ở đây rất tình cảm, chăm chỉ học hành, yêu mến thầy cô; cuộc sống nơi xã đảo thanh bình, người dân hiền hòa. Cùng chung cảnh xa nhà, các thầy cô giáo ở đây yêu thương nhau như những người trong gia đình.
Trước khi ra Thạnh An công tác, thầy Lê Văn Thanh, 29 tuổi, giáo viên Vật lý có nhiều năm đứng lớp ở một trường tư thục với thu nhập rất tốt. Thầy Thanh chia sẻ, bản thân cũng phân vân rất nhiều nhưng rồi nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc thầy giáo trẻ chấp nhận xa gia đình, vợ con, xung phong ra đảo vào đầu năm học vừa qua. Những bỡ ngỡ, lo lắng ngày đầu đã nhanh chóng qua đi khi được đứng lớp, trước những gương mặt hồn nhiên của các em học sinh.
“Thu nhập chắc chắn giảm nhiều so với khi dạy ở trường tư trước đây, cuộc sống cũng nhiều khó khăn hơn nhưng bù lại tôi có niềm vui với học trò. Học sinh ở đây hầu hết gia đình nghèo nhưng các em rất chăm ngoan, chịu khó học và kính trọng thầy cô giáo” - thầy Lê Văn Thanh chia sẻ.
Các thầy cô được bố trí ở nhà công vụ dành cho giáo viên. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, nhà công vụ đang xuống cấp, trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng. Mong mỏi lớn nhất của các thầy cô là nhà công vụ sớm được sửa chưa để đảm bảo chỗ ở. Với mức lương của giáo viên trẻ từ 3,7 triệu đến 5 triệu/tháng (tùy thâm niên công tác) và thêm 600.000 đồng/tháng phụ cấp phí đi đò, các thầy cô cũng phải tằn tiện lắm mới có thể đủ trang trải.
Niềm vui của học trò xã đảo
Tách biệt với đất liền, điều kiện đi lại khó khăn, đây cũng là lý do mà trước đây khi chưa có trường, lớp Trung học Phổ thông trên đảo, nhiều học sinh đã bỏ học ngay sau khi học xong Trung học Cơ sở. Năm học 2016-2017, phân hiệu Trường Trung học Phổ thông Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) được mở tại Trường Trung học Cơ sở Thạnh An (trên xã đảo Thạnh An) với 28 học sinh theo học lớp 10.
Tuy nhiên, khi đó, điều kiện cơ sở vật chất tại trường chưa đáp ứng được đầy đủ nên một số tiết học, nhất là tiết học thực hành các em vẫn phải vào cơ sở chính trong đất liền để học. Năm học 2018-2019, Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An đã được hoàn thành với đầy đủ trang thiết bị đã tạo thuận lợi cho học sinh xã đảo đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nơi xã đảo.
Nhà ở ấp Thiềng Liềng - một điểm đảo của xã Thạnh An, em Nguyễn Trọng Thảo, lớp 12.1, Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An hàng ngày phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp chuyến đò duy nhất vào xã đảo lúc 5 giờ 30 phút đến trường. Dù vậy cũng đã thuận lợi hơn các anh chị lứa học sinh trước đây rất nhiều. Em Huỳnh Thị Tuyết Ngân, lớp 12.1 nhà ở Ấp Thạnh Hòa nên chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ đã có thể tới trường. Không còn cảnh đi đò vất vả đến trường, em có thêm thời gian học tập, phụ giúp gia đình.
“Chúng em rất trân trọng tấm lòng của các thầy cô không ngại khó khăn, tình nguyện về đảo mang kiến thức đến cho chúng em. Các thầy cô rất nhiệt tình, không những chỉ bảo về kiến thức, các thầy cô còn rất yêu thương học trò và như người bạn mà chúng em có thể chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Có được điều kiện học tập thuận lợi như thế này, em tự hứa sẽ nỗ lực học tập thật tốt, không phụ lòng các thầy cô” - em Tuyết Ngân chia sẻ.
Thầy Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An cho biết, trước đây chưa có trường cấp ba trên đảo, các em ở xã Thạnh An phải vào đất liền học tập. Do điều kiện đi lại khó khăn, học sinh lên tới cấp ba bỏ học khá nhiều, nhất là các em ở ấp Thiềng Liềng. Hai năm trước, Trường Trung học Phổ thông Cần Thạnh mở phân hiệu tại Trường Trung học Cơ sở Thạnh An, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hẳn, đặc biệt năm nay có Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An mới đưa vào hoạt động, chỉ còn một học sinh cấp ba bỏ học giữa chừng.
“Đội ngũ giáo viên nhà trường, trong đó có 11 giáo viên trẻ tình nguyện về trường công tác đầu năm học vừa qua, đều rất năng nổ, nhiệt huyết với nghề và vững chuyên môn. Cùng với đó, Nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị, phòng học chức năng, góp phần hỗ trợ giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Đây là những điểm điều thuận lợi để nâng cao chất lượng chuyên môn dạy và học của Nhà trường. Để đảm bảo điều kiện đời sống cho giáo viên yên tâm công tác, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, huyện Cần Giờ đã khảo sát nhà công vụ của giáo viên để tìm giải pháp sửa chữa hoặc xây mới trong thời gian tới”, thầy Lương Văn Minh phấn khởi cho biết.