Câu chuyện cảm động về tình cảm thầy trò đã được chính các học sinh tái hiện lại, thông qua những hình ảnh rất chân thật. Sự yêu thương, cảm thông và sẻ chia của cô giáo chủ nhiệm Bùi Lê Xuân Trang cùng tập thể lớp đã cảm hóa để một học sinh từng được xem là cá biệt, vượt qua tự ti, trở nên hòa đồng với các bạn.
Không chỉ lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của học sinh, cô Bùi Lê Xuân Trang còn luôn quan tâm tạo mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong lớp. Sự nhiệt tình của cô chính là chìa khóa gắn kết, giúp các học sinh bỏ qua hiểu lầm để cùng nhau học tập tốt và có những khoảng thời gian ý nghĩa trên ghế nhà trường.
Câu chuyện về “xương rồng không gai”
“Tôi tên Nguyễn Thái Quyên, là học sinh lớp 11A1. Không biết từ khi nào tôi trở nên cô độc, cá biệt. Giờ tôi chỉ ước cô giáo chủ nhiệm biết lắng nghe và thấu hiểu, nếu không thì đừng đến ngày thứ Bảy, đừng có tiết sinh hoạt chủ nhiệm”. Đó là tâm sự của một học sinh được bạn bè cho là cá biệt, từng được gọi với cái tên là "Xương rồng" và cũng là nhân vật chính trong câu chuyện “Xương rồng không gai”.
Cô Bùi Lê Xuân Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 cho biết, Thái Quyên là một trường hợp khá đặc biệt. Quyên thích hớt tóc cao, từng xin cô không mặc áo dài đi học, xin không chào cờ mỗi thứ Hai. Quyên hay đi học trễ, không hòa nhập với các bạn, không phát biểu hay tham gia phong trào gì. Các bạn khá khó chịu khi lớp liên tục bị trừ điểm và không thể có thứ hạng cao chỉ bởi những lỗi vi phạm của Quyên. Một số bạn nghĩ rằng, chờ tiết sinh hoạt lớp, cô chủ nhiệm sẽ phạt những lỗi vi phạm ấy để bạn thay đổi.
Thế nhưng, cô Xuân Trang đã làm một việc khiến cả lớp ngỡ ngàng. Ngay đúng vào tiết sinh hoạt lớp mà các bạn cứ nghĩ rằng Thái Quyên sẽ bị phạt, cô cho bạn về trước với lý do: Chiều bạn Lượng phải ôn thi học sinh giỏi mà bạn Thái Quyên đi nhờ xe bạn Lượng nên cô cho bạn về trước với bạn Lượng.
Em Nguyễn Thị Ngọc Hằng, học sinh lớp 11A1 chia sẻ, ngay trong tiết sinh hoạt ấy, cô đã kể cho cả lớp nghe về hoàn cảnh của bạn Thái Quyên. Cô kể từ khi học cấp 2, ba mẹ bạn hay cãi nhau. Năm bạn học lớp 10, ba mẹ ly hôn. Một mình mẹ bạn dẫn theo 4 đứa con về ngoại cất một căn nhà nhỏ để ở tạm. Bạn là chị lớn, còn ba em nhỏ chỉ học mẫu giáo nên phải gánh vác chuyện gia đình phụ mẹ. Mẹ còn có ý định cho bạn nghỉ học để giữ em. Do hiếu học, bạn vẫn đến lớp nhưng thường xuyên đi trễ vì phải giữ em buổi sáng cho mẹ đi chợ.
Ngọc Hằng nói: “Câu chuyện của cô khiến cả lớp phải lặng im suy nghĩ. Cô bảo, nhà khó khăn, "Xương rồng" phải gánh vác gia đình phụ mẹ nên bạn trở nên cứng cỏi, gai góc. Nếu các em có hoàn cảnh như bạn, các em có được như bạn không? Xương rồng sống ở vùng đất khô cằn, theo quy luật sinh tồn, lá phải biến thành gai để bảo vệ mình trước cái nắng gay gắt của mặt trời, nhưng sống ở đất màu mỡ gai lại biến thành lá, đó là xương rồng không gai. Vậy các em thích loại xương rồng nào? Cô tin rằng với mảnh đất giàu tình cảm của lớp mình, bạn ấy sẽ là xương rồng không gai và ngày nào đó sẽ nở hoa rất đẹp. Với câu chuyện ấy, cô đã giúp lớp hiểu hoàn cảnh ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của bạn, thông cảm, nể phục bạn hơn thay vì "sân si" như trước”.
Kể từ thời điểm đó, các học sinh của lớp 11A1 dần đặt mình vào vị trí của Thái Quyên, chấp nhận sự khác biệt của bạn. Các em cùng cô đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh để có sự cảm thông và chia sẻ. Lớp đề xuất hỗ trợ mua giống rau hoặc mua con gì dễ chăm sóc để bạn có thêm thu nhập mà không ảnh hưởng đến việc học. Thế là cả lớp thống nhất hỗ trợ Thái Quyên lồng nuôi chim cút, 100 con chim cút giống, thức ăn, dụng cụ cho ăn...
Sau ngày đó, các bạn ngày càng gần gũi, giúp Thái Quyên vượt qua mặc cảm. Tình bạn chân thành cùng sự quan tâm, sẻ chia của cô giáo đã giúp cô bé có biệt danh "Xương rồng" mở lòng với các bạn cùng lớp, không tự ti như trước. Cô Bùi Lê Xuân Trang nhận xét, có những lúc tiếp xúc, cô cũng không biết được em vui hay buồn vì khá khép kín. Về việc học, từ năm lớp 10, em đã có dấu hiệu chậm hơn so với các bạn trong lớp. Tuy nhiên mấy tháng nay, khi cả lớp hiểu nhau, Quyên đã có nhiều tiến bộ. Thái Quyên dần giao lưu, hòa đồng với các bạn, tích cực phát biểu và mạnh dạn giơ tay xung phong tham gia các hoạt động tập thể của lớp.
Em Nguyễn Thái Quyên chia sẻ, giờ đây em có các bạn đồng hành cùng chia sẻ những niềm vui, khó khăn trong việc học cũng như cuộc sống. Đây là động lực để em nỗ lực học tập, dần đạt được những thành tích như gia đình, thầy cô và bản thân từng mong đợi.
Nhịp cầu gắn kết học sinh
Hành trình cảm hóa cô học trò “Xương rồng” của cô Bùi Lê Xuân Trang có sự đồng hành và hỗ trợ rất lớn của tập thể lớp 11A1. Cô Xuân Trang chia sẻ, ngay tuần sinh hoạt đầu năm, cô đã cho học sinh viết sơ yếu lý lịch để hiểu rõ từng hoàn cảnh. Xác định Thái Quyên đang gặp khó cả về vật chất lẫn tinh thần nên cô nhiều lần tiếp cận, đến tận nhà, gặp gỡ hàng xóm để hiểu rõ hơn hoàn cảnh gia đình. Khi biết em là học sinh giỏi suốt những năm Trung học Cơ sở nhưng vì những tác động do hoàn cảnh gia đình, từ năm lớp 10, việc học sa sút, ngay cả việc giao tiếp với bạn bè cũng khó khăn, cô đã thường xuyên quan tâm, động viên Thái Quyên. Bằng câu chuyện của mình, cô đã giúp cả lớp lắng nghe và chia sẻ với Thái Quyên, dần hàn gắn mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp.
Em Nguyễn Thị Diễm Huỳnh, học sinh lớp 11A1, cho biết: “Bạn gai góc, cộc cằn, ít giao tiếp nên rất khó để làm quen. Những lúc hỏi thăm mà bạn làm thinh, cả lớp ai cũng khó chịu. Nhưng nhờ cô, giờ các bạn hiểu nhau, Thái Quyên đã cởi mở hơn nhiều. Chúng em có những buổi học và sinh hoạt cùng nhau rất vui vẻ”.
Từ câu chuyện có thật ấy, tập thể 11A1 đã cùng nhau tái hiện lại thành một tác phẩm để tham gia cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”. Các bạn phân công những công việc cụ thể và hỗ trợ nhau để hoàn thành tác phẩm dự thi. Thành quả sự kết hợp đầu tiên của lớp là giải Đặc biệt trong cuộc thi. Kết quả này là niềm tự hào, hạnh phúc của cả thầy và trò lớp 11A1. Đó là sản phẩm của tập thể, của sự gắn kết và yêu thương. Một điều đáng quý hơn là các bạn đã dành một phần trong số tiền thưởng có được để mua bảo hiểm y tế, đóng 50% học phí còn lại của năm học cho Thái Quyên.
Dù mới chủ nhiệm lớp đến nay được hơn 2 tháng nhưng với lớp 11A1, cô Bùi Lê Xuân Trang như một người mẹ hiền, rất tâm lý, luôn lắng nghe và chăm lo cho học sinh. Cô đã trở thành nhịp cầu gắn kết các bạn thành một khối thống nhất, cùng nhau học tập và tham gia các phong trào. Cô luôn có mặt trong các hoạt động của lớp. Bên cạnh việc giúp học tốt, cô còn tạo điều kiện để các học sinh được sinh hoạt, trải nghiệm, qua đó nắm bắt tâm lý học sinh để có những hoạt động phù hợp. Cô thường xuyên chia nhóm, đổi chỗ ngồi để các bạn trong lớp có dịp gần gũi, làm việc nhóm và hiểu nhau hơn, từ đó giải quyết những mâu thuẫn, tạo được sự đoàn kết trong tập thể lớp.
Em Nguyễn Thị Diễm Huỳnh nói: “Cô chủ nhiệm không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh mà còn biết cá tính, khả năng từng bạn để động viên bạn phát huy. Cô vừa tạo cho chúng em hứng thú học tập vừa khơi dậy tinh thần đam mê phong trào. Đặc biệt, chúng em trưởng thành hơn, biết yêu thương và san sẻ nhiều hơn qua những câu chuyện đầy ý nghĩa của cô”.
Cô Xuân Trang chia sẻ, điều thành công nhất trong hơn 2 tháng gắn bó là đã gắn kết cả lớp lại với nhau. Xuất phát điểm có nhiều hiểu lầm nhưng các học sinh đã vượt qua được để hiểu nhau, đoàn kết cùng nhau trong nhiều hoạt động. Nếu như lớp 10, thành tích phong trào của lớp còn hạn chế, năm học này đã có những khởi sắc khi lớp đoạt giải ở các cuộc thi như làm đèn lồng, thầy cô trong mắt em, viết về kỷ niệm mái trường... Hơn 30 học trò với những cá tính rất riêng nhưng nay đã biết phối hợp với nhau cùng học tập, vui chơi, phát huy sở trường từng cá nhân để giúp lớp giành được những thành tích đáng khích lệ.