Cô và trò cùng gói bánh chưng

Các công đoạn gói bánh chưng, luộc bánh chưng được xem là điều “xa xỉ” với nhiều trẻ nhỏ sống ở thành phố. Nhưng với nhiều trẻ học tại một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội, việc này lại không khó. Cô và trò cùng gói bánh chưng là một hoạt động thường niên và cũng là bài giảng về truyền thống dân tộc.

Dù thời tiết buổi sáng là 11OC nhưng hôm nay chị Chu Thanh Hà vẫn đưa hai con là Khánh Lê (5 tuổi) và Nhật Anh (2 tuổi) đến trường đúng giờ để tham gia buổi lễ gói bánh chưng do nhà trường tổ chức. Trường học của hai bé mang tên Nốt nhạc vui (ở phố Lạc Trung, Hà Nội). Sự háo hức ấy không chỉ của lũ trẻ mà còn là niềm vui của chị Hà mỗi khi Tết đến. Bé Khánh Lê học ở trường mầm non Nốt nhạc vui khi tròn 2 tuổi và bé đã chứng kiến ba cái Tết gói bánh chưng mà các cô giáo ở trường mầm non tổ chức.

Cô và trò trường Nốt nhạc vui tham gia gói bánh chưng.


Hội trường lớn, nơi vẫn diễn ra các hoạt động tập thể của trường, hôm nay ấm cúng với cành đào, câu đối do chính những giáo viên trong trường tự làm. Trên sân khấu là những chiếc chiếu có bày biện sẵn lá dong, gạo nếp, lạt buộc, thịt lợn đã được ướp sẵn, nắm đậu xanh... Hơn 100 trẻ của trường từ 2 đến 5 tuổi được chia thành từng nhóm nhỏ ngồi vòng tròn. Mỗi nhóm có từ 2 - 3 cô giáo phụ trách.

Chương trình “Bé và cô cùng làm bánh chưng” được bắt đầu bằng câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dầy” qua lời kể diễn cảm của cô giáo. Nghe xong câu chuyện, các bé càng háo hức được bắt tay vào làm. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, chỗ này, những bàn tay bé xíu tự múc gạo đưa vào khuôn bánh, chỗ khác, hai em loay hoay đặt lá và lật lá cùng cô gói bánh. Tiếng một số em lớp lớn: “Cái này là của Tít, Tít đã sắp lá cho cô”. Một số cô giáo liên tục nhắc nhở: “Các con đừng cầm lạt đùa nhau nhé!”...

Cô Lê Hồng Vân, Hiệu trưởng trường mầm non Nốt nhạc vui cho biết: “Nhà trường thành lập được 6 năm thì đã 5 năm duy trì hoạt động này. Đây là một trong những bài học truyền thống của học sinh nhà trường. Gói bánh xong là đến buổi luộc bánh. Nhà trường sẽ cắt cử người trông nồi bánh để đến giờ lên lớp hôm sau học sinh sẽ được xem vớt bánh.

“Buổi lễ Tất niên sẽ được tổ chức trước toàn trường. Mỗi em sẽ mang về nhà chiếc bánh của mình để biếu ông bà, cha mẹ” - cô Vân kể. Chị Chu Thanh Hà nhận xét: “Những chương trình như thế này có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống văn hóa của dân tộc qua những ngày lễ, Tết. Những năm trước, tôi đã rất cảm động khi thấy con mang về chiếc bánh chưng xinh xinh có đầy đủ nhân đỗ thịt, ngoài bọc lá dong, buộc lạt, đã được luộc chín ở trường và nghe con tự hào nói: “Chiếc bánh này là của con, con cũng biết gói đấy”.

Hoạt động cô và trò cùng gói bánh chưng đã được một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng. Có thể kể đến như: Trường mầm non Việt - Bun (quận Hai Bà Trưng), trường mầm non B (quận Hoàn Kiếm). trường Dream House (phố Lý Nam Đế)... Một số trường đã duy trì hoạt động này nhiều năm nay và ngày càng nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN