Con chữ trên những bản vùng cao

Bản ở trên núi cao, quanh năm làm bạn với sương mù và đèo dốc, đường xuống núi quanh co uốn lượn. Tuy cuộc sống gian khó nhưng con trẻ ở những bản vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc vẫn không mất đi ước mơ cao đẹp là xuống núi học chữ mong cuộc sống ngày mai tươi sáng.


Nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái) có diện tích 9.000 ha, xã gồm 5 bản là Tà Cao, Xá Nhù, Chống Chùa, Làng Mảnh, Lã Tà. Từ bao đời nay, người Mông ăn đời ở kiếp với mảnh đất đầy khắc nghiệt này. Tuy đói nghèo và thiếu thốn, người dân nơi đây vẫn ước vọng vào một ngày mai tươi sáng. Chính vì vậy, khát vọng học chữ và động viên con em xuống núi học chữ đã ngấm vào huyết quản của người Mông Tà Xi Láng từ bao đời nay.


Đường vào bản Mông Xá Nhù.


Ước mơ trên đỉnh Tà Xi Láng


Theo ông chủ tịch xã Hờ A Tu thì những năm trước đây, đói nghèo đã níu bước chân bọn trẻ đến trường. Nhiều năm trước đây, cơ sở vật chất nói chung và trường học của Tà Xi Láng còn nghèo nàn lắm, nhất là ở các điểm trường. Bởi vậy, mù chữ, lạc hậu và đói nghèo đã trở thành khúc ca trầm buồn trên đỉnh Tà Cao này trong nhiều năm dài. Trường Tiểu học và THCS Tà Xi Láng nằm ở trung tâm xã. So với trước đây, trường được đầu tư khang trang hơn nhiều. Lớp học chủ yếu được ghép bằng những tấm tôn, nền được lát đá hoa, bọn trẻ được ở bán trú và ăn học tại trường. Trường có 4 phân hiệu ở rải rác các bản xa xôi hẻo lánh. Phải lập các phân hiệu vì bàn chân học trò thì nhỏ xíu mà quãng đường xa, thời tiết lạnh buốt và mưa dầm dề khiến cho việc đến điểm trường trung tâm khá xa và vất vả.


Tuy ít học sinh nhưng thầy cô giáo vẫn tình nguyện cắm bản để dạy chữ.


Ở Tà Xi Láng, cả thầy và trò đều chung tay đối mặt với những khó khăn thiếu thốn. Phòng ở của các thầy chật hẹp, phải ngủ chung giường và vào mùa khô, các thầy cô phải đi bộ 3-4 cây số lấy nước về sinh hoạt. Còn thức ăn hàng ngày chủ yếu là lạc, cá khô dự trữ hàng tháng trời. Vào mùa mưa, Tà Xi Láng có đến hàng tuần bị biệt lập so với huyện bởi đường lên núi lầy thụt, sạt đất, người và xe không qua được.

Khu trung tâm xã Tà Xi Láng.


Tại các phân hiệu và cả điểm trường trung tâm, bữa ăn của bọn trẻ chủ yếu là rau xanh, có bữa được cải thiện thêm con cá suối. Vậy mà bọn trẻ ở đây ăn vẫn ngon và đều đặn đến trường.


Phân hiệu trường Chống Chùa là điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất. Độ cao của Chống Chùa tới 1.600 m so với mực nước biển do vậy khí hậu ở đây giống hệt như Sa Pa của Lào Cai, quanh năm mây mù bao phủ. Có ngày nhiệt độ xuống tới 5 độ, lạnh thấu xương. Vậy mà những đứa trẻ với quần áo mỏng, chân không giầy, không tất, đầu không mũ ấm vẫn vượt sương, vượt dốc đến trường học chữ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng theo lãnh đạo trường Tiểu học và THCS Tà Xi Láng, học sinh ở đây rất chăm học và duy trì tốt độ chuyên cần. Nhà trường và các phân hiệu đã cố gắng hết mình với nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, giúp các em yên tâm học tập.


Học chữ để sau này làm cán bộ cho bản


Khe Nhồi là nơi giáp ranh giữa hai xã Trung Sơn và Nghĩa Tâm của hai huyện Yên Lập (Phú Thọ) và Văn Chấn (Yên Bái).


Lớp học ghép ở điểm trường Khe Nhồi.


Muốn đến được Khe Nhồi, từ trung tâm xã Trung Sơn phải qua rất nhiều bản khác như Khe Dùng, khe Đâng, khe Bóp, khe Thát, vượt núi Tổng Nhất, núi Đèo Bụt. Toàn những tên bản, tên đất hoang vu và gợi lên sự xa xôi.


Cả bản khi ấy có tới trên 90% hộ nghèo. Thu nhập của người dân hầu như không gì ngoài ngô, sắn và lúa nương. Những ngày giáp hạt, cả bản thiếu ăn triền miên. Khi cái bụng chưa no thì làm sao họ dám nghĩ đến chuyện cho con cái học hành đầy đủ. Biết được việc đi học của trẻ em bản Mông rất khó khăn nên xã Trung Sơn đã cho dựng phân hiệu ngay tại bản để trẻ em học chữ được thuận lợi. Thế nhưng, khi có trường, có lớp, có thầy cô đến tận bản thì học trò lại lác đác dần vì chúng thường bỏ học để lên nương rẫy trồng ngô, trồng lúa, đào củ mài với người lớn, mong được no cái bụng.


Những ngày giáp hạt, học sinh bỏ học nhiều. Không biết làm cách nào khác, các thầy cô báo cáo ban giám hiệu, báo xã, xã kêu gọi ra huyện để có những nguồn tài trợ để động viên các em xuống núi học chữ. Khi ấy, gạo là “liều tiên dược” gọi bọn trẻ đến trường. Các thầy cô cắm bản phải lặn lội đi tới sơn cùng, ngõ hẻm mang gạo đi “dỗ” học trò, đưa các em xuống núi học chữ.


Trường học ở Khe Nhồi ban đầu được dựng bằng tranh, tre, nứa hết sức tạm bợ và đơn sơ. Những ngày mùa đông giá buốt, rét đậm rét hại, học sinh đến lớp chân đất, áo phong phanh, môi tím bầm. Có hôm sương mù trắng trời, trắng lớp, mi mắt cả thầy và trò dính đầy sương. Phải đến 10 giờ sáng mới nhìn rõ mặt người. Lớp học đơn sơ, chỗ ở của thầy cô cắm bản càng thiếu thốn hơn. Không có điện, không có nhà xây, không khu vệ sinh, tắm giặt, cũng không có chợ. Vậy mà từ những ngày đầu, thầy cô nào được điều vào Khe Nhồi cũng đều dành cho bản sự tâm huyết với con chữ nơi đây. Nước dành cho sinh hoạt hằng ngày của thầy cô chủ yếu là nước suối, thức ăn là dự trữ hàng tháng trời, ít khi có được bữa ăn tươi.


Trạm y tế của Tà Xi Láng được xây dựng khang trang.


Qua nhiều đợt tuyên truyền về định canh, định cư, được sự hỗ trợ của Nhà nước theo các chương trình như 135 cả hai giai đoạn, 30a, Khe Nhồi dần dần khởi sắc. Có của ăn của để, người Mông Khe Nhồi quan tâm nhiều hơn tới chuyện học chữ của con em. Với họ, có chữ sẽ có cơ hội để ngày mai “đổi đời”, con cháu họ sẽ thành công dân tốt cho bản, cho xã. Cuối năm 2008, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huyện Yên Lập đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà lớp học và nhà ở cho giáo viên tại bản Khe Nhồi. Phân hiệu trường vì thế mà khang trang hơn trước. 2 phòng học mầm non, 3 phòng cho lớp tiểu học, 4 phòng ở cho giáo viên cắm bản. Người dân, học sinh và thầy cô ở bản Khe Nhồi mừng lắm.


Khi hết bậc tiểu học, các em “khăn gói” bằng gạo, bằng rau, bằng lạc xuống núi gần 20 cây số để học cấp hai và xa hơn nữa là học cấp 3 và đại học. Những đứa trẻ như Mùa A Trung, Mùa A Bình, Mùa Thị Lý… của bản Khe Nhồi đang ngày đêm lặn lội xuống núi học chữ mong sau này trở thành cán bộ tốt của bản.


Bài và ảnh: T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN