Con học giỏi vẫn lo

Sau khi Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT về việc đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học được ban hành vào cuối năm 2009, quy định về việc đánh giá và xếp loại học sinh giỏi, kết thúc hai năm học 2009 -2010 và 2010 – 2011, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi ở khối tiểu học tăng nhiều so với những năm trước đó. Trong khi con trẻ vui vì đạt thành tích thì không ít phụ huynh lại hoang mang: Không biết cách đánh giá mới này đã phản ánh đúng năng lực học tập của con em mình hay chưa.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp (TP.HCM) làm quen với thày, cô, bạn bè trong ngày tựu trường. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Chị Thu Hương (Lương Yên, Hà Nội) đã phải rất vất vả với mỗi buổi tối cùng con “đánh vật” với hai môn Toán và Tiếng Việt để hướng tới mục tiêu cuối năm con đạt mục tiêu “học sinh giỏi”. Ngày nào chị cũng thắc thỏm khi thấy chương trình học quá sức so với năng lực của con. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả con mình đạt học sinh giỏi thì chị Hương thay vì mừng lại chuyển sang lo lắng...

Cả lớp là học sinh giỏi

Chị Hương vừa có con học xong lớp 1 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Bây giờ bọn trẻ học những bài mà trước đây phải đến lớp 3 tôi mới được học. Cùng con học và biết lực học của các bạn trong lớp con, tôi đã từng nghĩ con mình khó có thể đạt học sinh giỏi. Trong kỳ thi học kỳ vừa qua, tôi biết, khi làm bài thi, các cháu vẫn được giáo viên vừa coi thi vừa hướng dẫn. Kết quả là cháu nào cũng đạt điểm tốt. Điều này làm tôi càng băn khoăn. Phụ huynh ai cũng muốn con mình giỏi nhưng cách đánh giá hiện nay để “giỏi đại trà” thì không khuyến khích được học sinh”. Chị Hương cũng cho biết thêm, cô giáo có cho biết: Bài kiểm tra cuối năm không có nhiều câu hỏi, bài tập mang tính phân loại nên học sinh dễ dàng đạt điểm giỏi. Một phần cũng là để khuyến khích các em học tập. Trong lớp của con chị Hương có tới 98% là học sinh giỏi, rất khó tìm thấy một học sinh trung bình.

Thông tư 32 quy định về cách đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học trong đó quy định xếp loại học lực môn học như sau: Loại Hoàn thành (A): Đạt được yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng của môn học, đạt được từ 50% số nhận xét trở lên trong từng học kì hay cả năm học. Những học sinh đạt loại Hoàn thành nhưng có biểu hiện rõ về năng lực học tập môn học, đạt 100% số nhận xét trong từng học kì hay cả năm học được đánh giá là Hoàn thành tốt (A+) và ghi nhận xét cụ thể trong học bạ để nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng; Loại Chưa hoàn thành (B): Chưa đạt được yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng của môn học, đạt dưới 50% số nhận xét trong từng học kỳ của năm học.

Cùng băn khoăn như chị Hương, chị Thùy Giang có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học của phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Thấy điểm giỏi là các cháu nghĩ mình giỏi. Nếu thầy cô mà dễ dãi quá trong việc đánh giá học sinh sẽ dẫn đến tính tự phụ trong con trẻ. Vì ở độ tuổi này các cháu đã phân biệt được bạn nào giỏi, bạn nào học kém trong lớp”.

Chuyện có nhiều học sinh giỏi ở bậc tiểu học không còn xa lạ nữa. Chị Yến có con vừa kết thúc lớp 2, Trường Tiểu học Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho hay: “Lớp có 36 học sinh thì có tới 34 học sinh giỏi. Cháu nào mà không được học sinh giỏi thì gần như là “cá biệt” trong lớp. Có lớp còn có 100% học sinh giỏi”.

Một giáo viên Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm học 2009- 2010, toàn trường đạt 93,5% học sinh giỏi, cao hơn hẳn những năm trước, có lớp đạt 100% giỏi. Kỳ tích này năm nay tiếp tục được phát huy.

Cần điều chỉnh phương pháp đánh giá

Không chỉ cha mẹ băn khoăn mà cả các giáo viên, người trực tiếp tham gia giảng dạy cũng có nhiều “tâm tư” về phương pháp đánh giá này. Thông tư 32 quy định về cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, theo đó các môn học được đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét gồm: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc, Tin học. Kết quả học tập của học sinh được ghi nhận bằng điểm kết hợp với nhận xét của giáo viên. Các môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét gồm: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Thể dục, Kỹ thuật.

Ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận xét, năm đầu tiên thực hiện cách đánh giá mới, tỷ lệ học sinh giỏi của trường năm 2009-2010 cũng tăng “đột biến” so với những năm trước, với trên 80%, còn số học sinh khá thì giảm, dù trường đã làm đề thi, chấm thi nghiêm túc và chặt chẽ.

Phân tích về hiệu quả của Thông tư 32, hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, nhận định, thông tư này góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Nhưng việc tất cả học sinh đều giỏi thì việc đánh giá xếp loại sẽ bị hạn chế.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều giáo viên cũng như nhà quản lý giáo dục cho rằng việc hạn chế lớn nhất của việc đánh giá lấy kết quả kiểm tra cuối năm để xếp loại là chưa thể sát với năng lực của học sinh. Vì vậy, Bộ nên có sự điều chỉnh hợp lý về cách đánh giá học sinh tiểu học, vì tất cả học sinh đều giỏi thì các em sẽ thiếu động lực để phấn đấu.

>>Ý KIẾN:

Chị Trịnh Lan Phương (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) - phụ huynh học sinh trường tiểu học Ngọc Thụy: Nên khen đúng với năng lực của trẻ


Việc khuyến khích, động viên đối với trẻ, nhất là trẻ học lớp 1 là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhà trường cũng nên để trẻ hiểu đúng được năng lực thực chất của mình. Khi con tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi, là người trực tiếp kèm cặp cháu, tôi hiểu được điều này. Một mặt tôi vừa động viên cháu, một mặt tôi cũng tỏ rõ sự khắt khe của mình để con không chủ quan. Dịp hè, để cháu không “vin” vào cớ học sinh giỏi mà mải chơi, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở cháu học bài để rèn luyện. Tôi nghĩ rằng, việc học theo chương trình khắt khe là vậy, cụ thể là trong năm học, các cháu phải học rất nhiều, kể cả bài tập về nhà, nhưng đến khi thi lại dễ dãi, điều này theo tôi là không tốt. Sẽ có một bộ phận trẻ nhỏ theo xu hướng chủ quan.


Lê Vân thực hiện

Việc cần làm là giảm tải chương trình học

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD – ĐT, ông Nguyễn Kế Hào trao đổi với Tin Tức về vấn đề giảm áp lực học tập, đổi mới chương trình, để có chất lượng giáo dục tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN