Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD – ĐT, ông Nguyễn Kế Hào (ảnh) trao đổi với Tin Tức về vấn đề giảm áp lực học tập, đổi mới chương trình, để có chất lượng giáo dục tốt.
Thưa ông, tình trạng “đại trà học sinh giỏi” ở bậc tiểu học, phổ biến ở học sinh lớp 1 đang ngày càng gia tăng. Ông nhận định về xu hướng này thế nào?
Kết quả như như vậy ở lớp 1 thì phải mừng chứ, sao lại lo. Riêng với lớp 1 thì theo tôi, những tiêu chí đặt ra là: Biết cộng trừ nhân chia, đọc thông viết thạo, làm được những phép tính đơn giản, hiểu biết về khoa học thường thức, hiểu về kỹ năng sống. Như vậy là đã giỏi rồi còn gì. Có em này giỏi ca hát, em kia giỏi môn toán, em khác lại giỏi môn văn. Trẻ nhỏ cố gắng đạt đến một điểm nào đó là phải khen, để động viên, khuyến khích. Về tâm lý, đến người lớn còn muốn được khen nữa là trẻ nhỏ. Chúng rất cần có động lực học tập.
Tuy nhiên, trường hợp cụ thể như năm ngoái ở Quảng Ngãi vẫn còn học sinh “sáng 6, chiều 1” (sáng đi học lớp 6, chiều học lớp 1) vì chưa đọc thông viết thạo, thật đáng báo động. Ngồi lớp 6 mà chưa đọc thông viết thạo, đấy mới là bệnh thành tích.
Vậy đâu là chìa khóa nhằm giúp đánh giá đúng thực chất của học sinh?
Tôi cũng từng nói với Bộ trưởng Bộ GD – ĐT rằng, phải có chiến lược cải tổ hệ thống sư phạm. Có nơi giao mấy chục trẻ cho một giáo viên. Thậm chí có những vùng, trường học vài năm mà lãnh đạo không ai đến được cả. Nếu giáo viên không tự giác, không có trình độ thì không thể giải quyết được vấn đề đánh giá học sinh một cách chính xác.
Phải chăng chính áp lực học tập đang khiến cho chính học sinh cũng như giáo viên quá tải?
Chương trình học hiện nay đang quá tải, muốn đổi mới căn bản toàn diện thì phải có bước quá độ ngay. Việc cần làm ngay bây giờ chính là việc giảm tải chương trình học, đổi mới quản lý làm sao cho thông thoáng để người ta tự giác có trách nhiệm và cần quan tâm tới đời sống giáo viên.
Đến năm 2000, chương trình và sách giáo khoa bậc tiểu học mới bắt đầu ổn định và bước đầu cải thiện về chất lượng. Năm 2000 - 2001 cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giảm tải thì Bộ lại chủ trương bỏ tất cả các chương trình hiện hành để triển khai một chương trình mới. Lúc đó tôi cũng chỉ ra rằng: Chương trình sách giáo khoa tiểu học không đòi hỏi cao về nội dung kiến thức nhưng cần sự tinh tế về tính sư phạm, đòi hỏi sự thận trọng kỹ càng về mọi mặt. Ở bậc tiểu học không được phép sai lầm, không thể vừa làm vừa điều chỉnh, vừa làm vừa hoàn thiện mà phải được thiết kế rõ ràng, đầy đủ, đảm bảo tính chuẩn xác và độ an toàn thì mới có thể triển khai đại trà.
Xin cảm ơn ông!
Lê Vân thực hiện