Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ về việc xuất bản SGK

Sáng 29/9, bên lề hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trả lời báo chí xung quanh giá sách giáo khoa cũng như việc thiếu sách ở một số nơi đầu năm học 2022 - 2023 và cả nội dung liên quan lợi nhuận khi xuất bản sách.

Video ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời về giá sách giáo khoa: 

Thưa ông, theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2021, nhà xuất bản phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra. Nhưng Nhà xuất bản vẫn kêu khó trăm bề. Ông lý giải về thực trạng này ra sao?  

Tổng lãi suất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chỉ hoạt động xuất bản sách giáo khoa mà còn nhiều hoạt động khác. Một trong những đột biến lợi nhuận ở trên báo cáo tài chính thể hiện là thực hiện chỉ đạo của việc thoái vốn của các đơn vị trước đây Nhà xuất bản đã đầu tư. Khi thoái vốn thành công, một lượng tài chính đổ về trong thời gian vừa qua dẫn đến xã hội hiểu nhầm khi chưa tìm hiểu kĩ khi cho rằng lợi nhuận khủng khiếp ấy là do xuất bản sách giáo khoa. Thực ra, lợi nhuận ấy từ rất nhiều các khu vực khác, các hoạt động khác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.  

Giá sách giáo khoa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện triệt để những chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giá sách giáo khoa lớp 2, 6 đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tính toán tiết giảm chi phí. Trên thực tế, giá sách giáo khoa lớp 2, 6 thấp hơn so với lớp 1, đặc biệt sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 năm 2022 đã tiết giảm mọi chi phí để hạ giá sách giáo khoa. Giá sách giáo khoa lớp 3,7,10 năm nay của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm từ 5 -10% so với các lớp trước. Giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay có giá bìa thấp nhất so với giá sách giáo khoa được lưu hành hiện nay.  

Ông lý giải như thế nào về việc đầu năm học mới có tình trạng thiếu sách giáo khoa ở một số nơi, gây khó khăn cho việc học tập của học sinh học theo sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018?  

Việc thiếu sách giáo khoa cục bộ đâu đó có thể do khó khăn trong việc mới mẻ thực hiện chương trình. Trước đây, tất cả học sinh học cùng một sách giáo khoa và chỉ một Nhà xuất bản Giáo dục. Nên lúc đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam căn cứ trên số lượng học sinh để in sớm và xuất bản và đưa xuống địa phương ngay.

Tuy nhiên, hiện nay, ở mỗi trường học, việc học cuốn sách giáo khoa nào đó là thông tin mà các nhà xuất bản phải đi tìm. Sau khi có thông báo của từng địa phương, nhà xuất bản mới có thống kê in, chuyển xuống. Nguyên nhân là do nhà trường, địa phương quyết định lựa chọn, đăng ký số lượng sách thường diễn ra muộn. Các nhà xuất bản đã nỗ lực nhưng không đảm bảo kịp thời như trước đây. Đây là năm đầu tiên thay sách ở lớp 10 và có hàng loạt môn học tự chọn, chuyên đề tự chọn. Tùy theo điều kiện của giáo viên và các cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa nào, môn nào nên trước khai giảng, thậm chí cả khi đã khai giảng, nhà xuất bản mới có đủ thông tin để in ấn và chuyển xuống. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm cục bộ.  

Ở góc độ doanh nghiệp, Nhà xuất bản luôn muốn sản xuất nhiều nhất, đưa sớm nhất đến tay người tiêu dùng. Bắt đầu đổi mới chương trình, phương thức lựa chọn sách giáo khoa ở các trường học, địa phương còn chưa có sự phối hợp đồng bộ. Tôi hy vọng trong năm tới, các địa phương làm quen với phương thức mới, câu chuyện cung ứng sách giáo khoa sẽ kịp thời hơn.  

Giá sách giáo khoa tiếng Anh hiện nay đang cao hơn nhiều so với các sách giáo khoa khác. Thậm chí có cuốn sách cao gấp 4, 5 lần. Vì sao lại như vậy, thưa ông?  

Đây là khó khăn cũng như là trăn trở lớn của Nhà xuất bản. Bởi hầu hết các giáo trình tiếng Anh, cụ thể là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải liên kết với nhà xuất bản trên thế giới. Thứ nhất, về mặt chi trả bản quyền là một chi phí lớn. Thứ hai, về mặt quy cách, việc hợp tác xuất bản phải tuân thủ những quy cách giấy, kích thước, khuôn khổ theo yêu cầu của những nhà xuất bản đó. Do đó, chúng tôi không thể đưa giá sách tiếng Anh xuống giá như các môn học khác.  

Trước đây ở Chương trình Sách giáo khoa năm 2.000, chúng ta đã có bộ sách giáo khoa tiếng Anh trong nước. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu xã hội và việc giảng dạy, phụ huynh học sinh có xu hướng lựa chọn các sách giáo khoa liên kết với nước ngoài. Vì thế, để có một bộ sách giáo khoa tiếng Anh không quá mức đắt đỏ như sách nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, các Nhà xuất bản đã chọn việc liên kết xuất bản để tạo ra một bộ sách giáo khoa từ nước ngoài và Việt Nam, theo quy chuẩn nước ngoài nhưng in ấn ở Việt Nam để có giá rẻ hơn.

Về mặt quy cách, số trang môn tiếng Anh là tương đồng với Sách giáo khoa bản gốc nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Chúng tôi mong muốn dần dần có giải pháp tốt hơn.  

Trong lần cải cách sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì khó khăn lớn nhất của Nhà xuất bản là gì?  

Có lẽ khó khăn lớn nhất của lần thay sách lần này chính là vấn đề thời gian. Trong các lần thay sách trước đây có những lần thay sách tuần tự từng lớp trong năm, có những lần thay sách 2 lớp/năm. Sách giáo khoa lần này thay đồng loạt ở cả 3 cấp học. Các nhà xuất bản từ khối biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành có khối lượng công việc rất lớn so với trước đây. Mặt khác, việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ sách khiến các nhà xuất bản phải cạnh tranh lẫn nhau. Ngoài công tác biên soạn, in, phát hành thì các nhà xuất bản phải làm giới thiệu sách, tập huấn giáo viên và làm công tác thị trường liên quan để phục vụ tốt nhất người học.

Khó khăn tiếp theo là do từng trường, từng địa phương lựa chọn tên sách giáo khoa khác nhau nên nhà xuất bản khó nắm bắt xem trường đó, địa phương đó có dùng sách của mình hay không. Đây cũng là nguyên nhân gây chậm sách giáo khoa cục bộ đầu năm học mới vừa qua. 

Xin cảm ơn ông!

Lê Vân/Báo Tin tức
Đại biểu 'truy' trách nhiệm của Bộ Tài chính về giá sách giáo khoa
Đại biểu 'truy' trách nhiệm của Bộ Tài chính về giá sách giáo khoa

Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính. Đại biểu nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về trách nhiệm trong việc thẩm định giá với sách giáo khoa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN