Trường Vật liệu và Trường Hóa và Khoa học sự sống là 2 trường thuộc tiếp theo được Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch Hội đồng đại học và Giám đốc đại học. Đây là một bước tiến mới của ĐHBKHN trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2025 và thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 85/NQ-ĐU ngày 7/12/2020 của Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội về chuyển đổi mô hình tổ chức, xây dựng ĐHBKHN tự chủ và hiện đại.
Như vậy, cùng với 3 Trường: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐHBKHN hiện có 5 trường, được thành lập theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018). Bộ máy vận hành của ĐHBKHN được tối ưu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp mạnh các mặt hoạt động cho các đơn vị chuyên môn; quản trị, điều hành tập trung theo chiến lược và các quy chế, quy định chung do ĐHBKHN ban hành, người học được cấp bằng duy nhất của ĐHBKHN.
Trường Vật liệu đào tạo các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực của tất cả các lĩnh vực công nghiệp.
Trường Vật liệu – Đại học Bách khoa Hà Nội - được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu; Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang; Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polyme và Compozit và Bộ môn Công nghệ in.
Trường Vật liệu đào tạo các chuyên ngành đại học và sau đại học liên quan đến vật liệu truyền thống, các loại vật liệu mới, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của tất cả các lĩnh vực công nghiệp, cụ thể như: kỹ thuật, công nghệ chế tạo vật liệu, vật liệu tiên tiến và cấu trúc nano từ nguyên liệu nguồn đến quá trình nấu luyện, gia công tạo hình, hợp kim màu và xử lý bề mặt; khoa học vật liệu điện tử, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano; vật liệu quang học, quang điện tử và quang tử; công nghệ dệt may - da giầy và thời trang; vật liệu polyme - compozit nền polyme, kỹ thuật in và truyền thông.
Các đối tượng nghiên cứu chính của Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội - bao gồm: Vật liệu kim loại và phi kim loại, vật liệu điện tử và quang tử, vật liệu compozit, vật liệu y sinh, vật liệu năng lượng, vật liệu nano… với các hướng nghiên cứu điển hình: tính chất vật lý, hóa học, cơ học... của vật liệu; Mô phỏng tính toán vật liệu; Mô phỏng tính toán các quá trình công nghệ; Nghiên cứu phát triển các hệ vật liệu tiên tiến, vật liệu thông minh, vật liệu thân thiện môi trường; Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ nguồn; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào đời sống; Giải mã công nghệ, tư vấn công nghệ.
Trường Hóa và Khoa học sự sống đào tạo những ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật chủ đạo, mang tính bền vững, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống – Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 Viện: Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên. Trường có đội ngũ giảng viên và cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ cao với trên 90% giảng viên có học vị tiến sĩ và gần 40% giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Trường Hóa và Khoa học sự sống đào tạo các ngành Hóa học, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật thực phẩm, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường. Đây là những ngành vốn gần nhau về kiến thức cơ sở ngành, thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật chủ đạo, mang tính bền vững. Trường có các trung tâm, các phòng thí nghiệm nghiên cứu đồng bộ hiện đại kết hợp với phương pháp giảng dạy tiên tiến, qua đó sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đa dạng hóa nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Phát biểu tại buổi họp báo sau lễ công bố thành lập hai trường, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐHBKHN cho biết, hai trường sẽ đi theo định hướng là hợp tác với doanh nghiệp để mang lại hiệu quả đào tạo cao nhất. Các trường thuộc ĐHBKHN đi theo định hướng làm thế nào để sinh viên đào tạo trong lòng doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên có được sự hướng nghiệp và đào tạo tốt hơn. Đặc biệt, sự khác biệt là sự hỗ trợ đến từ doanh nghiệp tới những sinh viên những tỉnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó… Điều này giúp cho việc tìm kiếm, phân bổ việc làm của sinh viên phù hợp với ngành nghề đào tạo địa phương đó.