Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Quy chế thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội quy định rõ thí sinh cố tình tiết lộ một phần dữ liệu câu hỏi thi sau khi kết thúc đợt thi sẽ bị hủy kết quả thi, thông báo cho các bên liên quan xử lý. Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội xác minh được một số trường hợp thí sinh khu vực Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình có hành vi tiết lộ câu hỏi thi đã bị xử lý theo Quy chế.
Một số thí sinh phản ánh các nhóm luyện thi cử người đi thi để “nhớ” câu hỏi và luyện thi. Đối với các câu hỏi các nhóm luyện thi đề cập đến, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đều kiểm tra xác minh và rút khỏi ngân hàng câu hỏi nếu nội dung tương tự giống trên 50%. Đến thời điểm hiện tại, Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận một vài câu hỏi lĩnh vực ngôn ngữ, văn chương thí sinh “nhớ” không chính xác có thảo luận trên các diễn đàn cũng đã tạm thời khóa lại.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, một tác phẩm văn học nào đó trong đề thi lặp lại không có nghĩa là câu hỏi lặp lại. Tác phẩm văn học chỉ là ngữ cảnh, chất liệu để xây dựng câu hỏi. Câu hỏi cho ngữ cảnh đó sẽ được hỏi khác nhau, từ biện pháp tu từ, hình thái, cảm xúc, bình phẩm, chính tả, biểu đạt cho từng loại hình câu hỏi của mỗi đề là khác nhau. Do đó, thí sinh gặp lại một tác phẩm văn học nhưng các câu hỏi sẽ là khác nhau. Điều này minh chứng cho kết quả nhiều thí sinh thi liên tiếp hai lần nhưng điểm bài thi vẫn không thay đổi mặc dầu “cảm tưởng” là câu hỏi lặp lại nhưng thực chất là tác phẩm lặp lại mà thôi. Việc này không gặp phải với các phần câu hỏi thuộc lĩnh vực Toán học hay Khoa học.
Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc câu hỏi thi lặp lại trong các đợt thi, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ: Bên cạnh việc tổ chức thi, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội luôn lắng nghe phản hồi của xã hội về kỳ thi HSA qua các kênh thông tin như báo chí, truyền thông, mạng xã hội hay hòm thư điện tử. Phải thừa nhận rằng, các nhóm luyện thi cũng truyền thông về kỳ thi HSA khá nhiều nhưng mục đích lôi kéo thí sinh luyện thi.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng xác minh được rằng, một số nhóm luyện thi lập tài khoản ảo để lôi kéo thí sinh, giả làm thí sinh vừa thi đạt 126/150 nhưng thực tế đến thời điểm này, không có thí sinh đạt điểm 126. Thậm chí, các tài khoản ảo đóng vai thí sinh chia sẻ rằng mình làm trúng các câu hỏi của nhóm luyện thi... nhưng thực chất không có những câu hỏi như vậy trong ngân hàng đề thi hiện nay. Điểm chung nhất là các tài khoản thảo luận đều là tài khoản ảo và không có thông tin xác thực. Nếu không tỉnh táo, thí sinh sẽ bị các tài khoản ảo này kéo vào ma trận luyện thi.
Về mức độ lặp lại của câu hỏi, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo xác nhận là có một tỷ lệ dưới 0,5% câu hỏi lặp lại vì máy tính làm việc khách quan quét từ ngân hàng câu hỏi được rút ra từ ngân hàng dữ liệu đề thi. Với số lượng thí sinh dự thi thời gian qua 43.761 thí sinh thì xác suất trùng lặp tuyệt đối câu hỏi là vô cùng thấp. Trừ các câu hỏi đã bị khóa không sử dụng, các câu hỏi chuẩn hóa đều được phân bố, sử dụng sao cho tỉ lệ lặp lại là thấp nhất có thể trong phạm vi sai số của khoa học đo lường. Như vậy đảm bảo tính khách quan, khoa học của hoạt động kiểm tra đánh giá độc lập.
Về công tác tổ chức thi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có quy chế phối hợp với Bộ Công an trong đó có hạng mục về bảo vệ an toàn kỳ thi HSA. Các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đều tập hợp thông tin, hồ sơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý thời gian tới.
Đối với ý kiến phản ánh trên mạng xã hội về số lượng câu hỏi của mỗi phần (môn thi) ở các đề thi khác nhau, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Trong phần giới thiệu bài thi HSA, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu rõ gồm 150 câu hỏi tính điểm kèm theo 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Do đó, nếu như số câu hỏi của phần Lý có thể 11 câu hỏi nhưng chỉ tính điểm cho 10 câu. Nếu đề thi của bạn có 11 câu hỏi Lý thì người khác sẽ có 11 câu hỏi Hóa hoặc Sử…
Bài thi có cộng thêm thời gian làm bài cho câu thử nghiệm không tính điểm. Câu thử nghiệm cũng có thể lặp lại trong một vài đợt thi đôi khi làm thí sinh nghĩ đề thi lặp lại. Nguyên tắc của thử nghiệm phải kiểm nghiệm chéo và đủ số lượng phản hồi mới đủ độ tin cậy của câu hỏi chuẩn hóa. Hàng năm, Quy chế thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội quy định bổ sung tối thiểu khoảng 20% câu hỏi mới nên việc lồng ghép câu hỏi thử nghiệm trong đề thi chính thức góp phần tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi.
Tính đến ngày 26/4/2023, Trung tâm Khảo thí Đại học quốc gia Hà Nội đã nhận được 88.910 lượt đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2023. Các đợt thi tháng 3 và tháng 4 đã hoàn thành, phục vụ 43.761 thí sinh với tỉ lệ thí sinh dự thi đạt 97,3%. Phổ điểm thi của 4 đợt đầu tiên theo phân bổ chuẩn, điểm trung bình 75,2/150; trung vị là 75,0/150; độ lệch chuẩn 13,7.
Thí sinh đạt điểm cao nhất 129/150, thấp nhất 31/150. So với cùng kỳ năm 2022, điểm trung bình năm 2023 giảm 2,4 điểm. Phổ điểm ổn định theo từng đợt thi, số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%. Kết quả thống kê các đợt thi đầu tiên cung cấp thông tin quan trọng cho các trường đại học xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp theo lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo. Đến thời điểm hiện tại, có 74 trường đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi HSA để xét tuyển.