Một điểm mới được GS. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh là chỉ tiêu của Đại học Quốc gia hà Nội tăng hơn 10% so với năm ngoái. Cụ thể là từ 14.000 chỉ tiêu năm 2022 tăng lên 15.600 chỉ tiêu năm 2023.
Lý giải về điều này, GS. Nguyễn Đình Đức cho biết: “Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội mở thêm 4 ngành học mới: Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa các Khoa học liên ngành, cử nhân Văn hoá Truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Việt Nhật mở thêm hai ngành là Kỹ sư Công nghệ thực phẩm và Sức khoẻ, kỹ thuật, công nghệ cơ điện tử. Ngành Sức khoẻ, kỹ thuật công nghệ cơ điện tử thì được tích hợp đề án đào tạo liên thông đào tạo thạc sĩ. Đây là những ngành liên quan đến nghề nghiệp và lĩnh vực kỹ thuật công nghệ… đáp ứng tốt nhu cầu của nền công nghiệp 4.0 cũng như cuộc sống đương đại. Bên cạnh đó, năm nay Đại học Quốc gia Hà Nội còn có những cơ sở đào tạo được nâng cấp. Ví dụ, khoa Luật được nâng cấp thành Trường Đại học Luật, khoa các Khoa học liên ngành trở thành trường liên nghành đổi mới nghệ thuật, đổi mới sáng tạo. Viện Quốc tế Pháp ngữ trở thành Khoa”.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức, các phương thức tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản ổn định như năm ngoái như: Xét tuyển theo kết qủa của kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, theo kết quả các kỳ thi chứng chỉ quốc tế kết hợp với xét học bạ, dành một phần chỉ tiêu xét tuyển thí sinh của trường chuyên trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như trường chuyên trong toàn quốc thu hút học sinh giỏi.
Tuy nhiên, điểm nhấn trong tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội là kỳ thi đánh giá năng lực và năm nay cũng có những đổi mới. GS. Nguyễn Đình Đức cho biết: “Chỉ tiêu dành cho kỳ thi đánh giá năng lực năm nay cũng tăng lên. Lý do là chất lượng của những thí sinh qua kỳ thi đánh giá năng lực khá tố. Điểm mới tiếp theo là hai đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) dự kiến dự kiến hợp tác trong công nhận kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực. Tiếp nữa là năm ngoái Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thí điểm VSTEP của Trường Đại học Ngoại ngữ thì năm nay dự kiến tiếp tục sử dụng chương trình đó”.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực hai năm nay đã có những đổi mới, được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới. Chẳng hạn, những em thi vào ngành khoa học kỹ thuật cũng cần có kiến thức của ngữ văn và ngược lại những em thi vào các ngành khoa học xã hội thì cũng có kiến thức tư duy toán học.
Điểm mới tiếp theo mà GS. Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh chính là thay đổi điều lệ dự thi trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là, như mọi năm sau 28 ngày thí sinh được đăng ký một đợt thi mới nhưng năm nay các em chỉ được thi tối đa 2 đợt. Do những năm trước nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhiều đợt nhưng kết quả không cải thiện. Vì thế, năm nay thí sinh cần phải cân nhắc rất kỹ để có kết quả tốt trong kỳ thi đánh giá năng lực.