Các nhà giáo, chuyên gia giáo dục khẳng định, nếu việc đào tạo đại học vẫn nặng tính hàn lâm, chưa chú trọng thực hành như hiện nay thì Việt Nam sẽ khó có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Học một đằng, thực tập một nẻo
Thu Hằng, cựu sinh viên khoa Bảo hiểm, ĐH Lao động Xã hội nhớ lại kỳ thực tập tốt nghiệp của mình: “Khi thực tập, em xin về phòng bảo hiểm huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thực tập, nhưng công việc của em chỉ là pha trà, đi đưa công văn giấy tờ và ngồi đóng dấu công lệnh. Cả tuần em chỉ cần đến cơ quan 1 lần".
Giờ thực hành Hóa hữu cơ của sinh viên khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Minh Quyết – TTXVN |
Trường hợp của Quý, cựu sinh viên khoa Kế toán, hệ liên thông - ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng tương tự. Quý kể: “Em liên hệ thực tập được tại một công ty ở Hà Nội. Sau vài lần đến công ty thì họ nói không cần phải đến nữa, khi nào hết thời gian thực tập thì họ xác nhận cho. Ba tháng thực tập là 3 tháng em được nghỉ xả hơi. Gần đến hạn nộp báo cáo thực tập tốt nghiệp thì đi xin báo cáo tốt nghiệp của các anh, chị khóa trên về chỉnh sửa. Hầu hết lớp em đều thực tập kiểu đó”.
Lý giải nguyên nhân chương trình giáo dục ĐH nặng tính lý thuyết thiếu tính ứng dụng, giảng viên Nguyễn Văn Hiếu, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng: “Hệ thống giáo trình tại các trường ĐH, CĐ chậm đổi mới. Cải cách giáo dục chưa thực sự được tiến hành. Những năm gần đây, các trường ĐH áp dụng mô hình đào tạo tín chỉ với mục tiêu tạo ra một bước đột phá thực sự trong giáo dục nhưng lại chưa áp dụng triệt để được mô hình này. Đào tạo tín chỉ nhưng thực chất vẫn nặng về lý thuyết, thầy đọc trò chép, tự học không cao. Sinh viên thụ động, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong học tập...”.
Hiện nay, ở nhiều giảng đường đại học, đội ngũ giảng viên có tuổi vẫn trung thành với lối giảng dạy cũ, thích ứng chậm với các mô hình đào tạo mới. Bên cạnh đó, giáo dục ĐH vẫn chưa có biện pháp đánh giá giáo dục khách quan, trung thực. Khâu quản lý thực tập, thực tế của các trường chưa sâu sát. Hầu hết các cơ quan, tổ chức nhận sinh viên thực tập có xu hướng sắp xếp sinh viên vào những bộ phận thiếu cán bộ, thiếu người nên sinh viên không được thực tập đúng chuyên ngành.
“Học một đằng, thực tập một nẻo khiến cho chất lượng giáo dục không đạt được yêu cầu tối thiểu. Sinh viên không “tinh” nghề vì được đào tạo “lạ”, thực tập cũng “lạ”. Giáo dục tách rời cuộc sống khiến người học không thể hoặc chậm thích ứng thực tế. Nhà trường cần có bộ phận chuyên trách kiểm tra thực tập của sinh viên. Lý tưởng nhất là có cán bộ nhà trường cùng sinh viên tới các cơ sở thực tập (trò thực tập - thầy thực tế). Việc chấm thực tập phải nghiêm túc hơn, thực chất hơn, trung úy Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long Phạm Huy Phú cho biết: “Chuyện để sinh viên học không đi đôi với hành là lỗi của nhà trường, lỗi của công tác quản lý và đào tạo. ĐH là đào tạo nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao nên không thể chỉ có lý thuyết suông.
Siết chặt kỳ thực tập tốt nghiệp
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết: “Việc học không đi đôi với hành, học một đằng thực tập một nẻo không thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên ra trường không có kinh nghiệm thực tiễn mà chỉ có lý thuyết rất khó xin việc và bắt kịp guồng quay của xã hội”.
GS Phạm Minh Hạc cho rằng đã đến lúc cả nhà trường và người học cần nhận thức sâu sắc hơn mục tiêu của chương trình đào tạo, ý nghĩa của việc học ĐH. Học phải đi đôi với hành, cân bằng lý thuyết với thực hành. Kỳ thực tập tốt nghiệp phải được quản lý siết chặt, quy định lĩnh vực thực tập rõ ràng với từng chuyên ngành đào tạo. Việc chấm điểm thực tập cũng cần nghiêm túc hơn tránh việc sinh viên copy của nhau, coi nhẹ...
PGS Văn Như Cương bày tỏ: “Giáo dục ĐH hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới. Học mà không có thực hành trong quá trình học là sai lầm của giáo dục chuyên nghiệp trong thời đại mới. Sinh viên của ta đang bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức cao siêu nhưng lại không có môi trường để ứng dụng. Với kiểu học này, người học không làm được việc khi bị đẩy ra ngoài xã hội. Chúng ta đang lãng phí công sức, tiền bạc, tài năng của đất nước...”.
Để khắc phục tình trạng học không đi đôi với hành, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Cần tìm câu trả lời cho ba câu hỏi: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Cần đẩy mạnh thực hành, thực tế trong suốt quá trình học của sinh viên. Thực tập đúng chuyên ngành đào tạo. Giáo dục ĐH cần một cuộc thay đổi rất lớn, rất quyết liệt và dám sửa đổi khi sai”.
Thu Hòe