Nhiều sinh viên hệ cử tuyển ở vùng Tây Nguyên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa được bố trí việc làm, gây nhiều lãng phí, bức xúc trong dư luận xã hội.Chất lượng đầu vào thấpTheo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc thực hiện chế độ cử tuyển đã bổ sung thêm một nguồn lực được đào tạo cơ bản cho các vùng khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Đồng thời cũng góp phần thực hiện tốt hơn chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ chính sách này, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cho các tỉnh Tây Nguyên.
Được tham gia chế độ cử tuyển là niềm ao ước của con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Từ năm 2007 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao 5 tỉnh Tây Nguyên đào tạo 2.537 em học sinh cử tuyển. Trong đó, đại học có 2.082 em, cao đẳng 130 em và trung cấp chuyên nghiệp 325 em. Qua xét tuyển, các tỉnh Tây Nguyên đã chọn được 1.944 em (đạt 76,6%), trong đó có 1.599 em theo học đại học, chiếm 82,25%, trung cấp chuyên nghiệp có 254 em, chiếm 13,06%, học cao đẳng chỉ có 91 em, chiếm 4,%. Số học sinh được cử tuyển thuộc 26 dân tộc khác nhau. Trong đó, đông nhất là đồng bào dân tộc M’nông, Êđê, Ba na, Gia rai, Cơ ho… và theo học ở 19 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước, với 36 chuyên ngành đào tạo. Đông nhất là sư phạm chiếm 22,3%, y khoa 20,7%, kinh tế 16%, nông, lâm nghiệp chiếm 21%, còn lại là các ngành khác.
Trước khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, các em được cử tuyển phải qua một năm dự bị ở các trường dự bị đại học ở Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các trường có khoa đào tạo sinh viên dự bị. Phần lớn các em học sinh, sinh viên đều chấp hành tốt nội quy, quy chế, các quy định các nhà trường đề ra, phấn khởi, yên tâm học tập. Tuy nhiên, do chất lượng đầu vào thấp (chỉ căn cứ là học sinh có hạnh kiểm đạt loại khá trở lên, có học lực trung bình (đối với học sinh dân tộc thiểu số) và học lực khá (đối với học sinh người Kinh) mà không căn cứ vào điểm thi đại học hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) nên khi còn học dự bị, một số em đã không theo kịp chương trình, phải lưu ban, học lại dự bị năm thứ hai.
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Khi tuyển chọn, ngoài các yếu tố hạnh kiểm tốt, có học lực trung bình (học sinh dân tộc thiểu số) thì cũng cần kiểm tra, hoặc thi một vài môn khác đối với các ngành, các trường mà các em chọn để xem các em có thực sự có đủ trình độ không. Không nhất thiết tuyển các em vào các trường đại học mà nên định hướng cho các em học phù hợp với khả năng, trình độ văn hóa của các em, yếu phải học cao đẳng sau đó học liên thông lên đại học… để khi ra trường có đủ khả năng đảm nhận tốt các công việc sau này”.
Theo báo cáo của Trường Đại học Dự bị Nha Trang, Trường Dự bị đại học Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2007 đến năm 2013 có gần 7% học sinh phải lưu ban hoặc bỏ học. Khi xét tuyển vào học chính thức tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành thì nhiều em vẫn không theo kịp chương trình của nhà trường, số em lại bỏ học, hoặc lưu ban khá cao, gây nhiều lãng phí, tốn kém. Đại diện các trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Đà Nẵng đều cho rằng, chất lượng đầu vào của học sinh hệ cử tuyển thấp nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo. Kết quả xếp loại học tập của các em từ các cơ sở đào tạo cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi chỉ chiếm tỷ lệ 14,2%, sinh viên đạt trung bình chiếm 69%, sinh viên xếp loại yếu, kém chiếm 6,8%...
Chưa cân đối trong quy hoạch và đào tạoTheo thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sau 7 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ về việc cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 1.194 sinh viên tốt nghiệp. Trong đó có 949 đại học, cao đẳng 66 và trung cấp chuyên nghiệp 179 sinh viên, nhưng chỉ mới bố trí việc làm được 744 em (đạt 62,31%), trong đó, đại học đã bố trí được 6 em, cao đẳng 37 và trung cấp chuyên nghiệp chỉ mới được 69 em.
Tỉnh Kon Tum có 334 trường hợp tốt nghiệp và đã bố trí việc làm được 218 em; tỉnh Gia Lai có 1 em, đã bố trí được 125 em; tỉnh Đắk Nông có 340 em đã bố trí được 210 em; tỉnh Đắk Lắk là địa phương bố trí sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường thấp nhất, có 113 em, mới chỉ bố trí được 31 em. Con số này cho thấy: Có một sự lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước khi mỗi sinh viên được đào tạo đều gắn với số kinh phí không nhỏ.
Theo tính toán sơ bộ, kinh phí hỗ trợ cho một học sinh cử tuyển từ khi bước vào học dự bị đến khi học đại học ra trường là khoảng 115 triệu đồng (bao gồm trợ cấp ăn, ở, sách vở, đi lại, đồ dùng học tập…). Mặc dù Nghị định 134 của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm UBND các tỉnh tiếp nhận và phân công công tác cho sinh viên cử tuyển tốt nghiệp, nhưng không tỉnh nào bố trí công tác hết cho số sinh viên đã ra trường. Thậm chí, một số địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, để các em tự tìm công việc, nên đến nay vẫn còn 37,7% em đã ra trường chưa bố trí được việc làm.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song tựu trung là do việc tuyển sinh, đào tạo hệ cử tuyển chưa gắn với quy hoạch đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ đó việc cử tuyển hàng năm chỉ tập trung chủ yếu vào một số ngành như sư phạm, y tế, nông, lâm nghiệp…, trong khi các ngành khác như giao thông, thủy lợi, xây dựng… rất ít. Một số chuyên ngành khi đào tạo xong thì địa phương không có nhu cầu, không có biên chế để bố trí.
Quang Huy