Đánh giá của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT), đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 diễn ra đúng quy định, bảo đảm quy chế. Những lỗi của thí sinh như mang điện thoại vào phòng thi vẫn còn. Đợt 2 của kỳ thi (từ 8 - 10/7) sẽ có nhiều khối thi, môn thi, nên việc thắt chặt kiểm tra, giám sát được Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 đặc biệt nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD - ĐT các hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi, tuyển sinh; các vi phạm quy chế được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. “Cả nước có 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó có 22 thí sinh bị khiển trách; 3 thí sinh bị cảnh cáo; 48 thí sinh bị đình chỉ thi và có 8 trường hợp đến muộn không được dự thi”, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Vi phạm chủ yếu của thí sinh là mang điện thoại vào phòng thi. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết: Việc cấm mang điện thoại vào phòng thi đã được nhấn mạnh rất nhiều lần; thậm chí, các giám thị coi thi cho biết, thường xuyên nhắc nhở trong khi phổ biến quy chế thi trong ngày làm thủ tục hoặc trước khi vào phòng thi; tuy nhiên các thí sinh vẫn vi phạm nên phải xử lý nghiêm.
Một trong những chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD - ĐT với các trường tổ chức thi là việc phát hiện các thiết bị công nghệ. Đợt 1 đã có những sự cố được phát hiện như “chiếc đồng hồ lạ” của Học viện Công an nhân dân, ĐH Ngoại Thương,… và đã được các trường xử lý kịp thời, linh hoạt. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh khẳng định, các trường cần tiếp tục tập huấn, hướng dẫn các cán bộ coi thi trong việc phát hiện các thiết bị công nghệ tinh vi, hiện đại cấm mang vào phòng thi. Kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh không để diễn ra hiện tượng thi hộ, thi kèm. Đặc biệt là khâu thu bài thi ở môn thi cuối cùng, các trường cần chỉ đạo các giám thị tuyệt đối không để xảy ra sai sót.
Thay đổi cấu trúc đề thi
Đánh giá chung, đề thi đại học đợt 1 có tính phân loại tốt. Điểm mới của đề thi năm nay là cấu trúc đề thi thay đổi. Cả 3 môn thi toán, vật lý, hóa học đề thi đều không có phần chung và phần riêng như mọi năm, mà gộp làm một. Đánh giá của nhiều giáo viên, học sinh, với đề thi năm nay, chỉ cần có học lực trung bình khá vẫn có thể dễ dàng đạt 5 - 6 điểm, học lực khá là có thể đạt 7 - 8 điểm. Đề thi năm nay có tính phân loại cao, tạo điều kiện cho các trường cần tuyển những học sinh giỏi.
Riêng đề vật lý có một số câu hỏi “lạ”. Một số thí sinh ở điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đề vật lý nhiều câu rất lạ và cho biết đây là lần đầu thấy đề vật lý có câu hỏi sử dụng hình vẽ để thí sinh dựa vào đó trả lời. Tuy nhiên đánh giá về mức độ đề này, thầy Đào Tuấn Đạt, giáo viên trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng, đề thi vẫn xoay quanh những nội dung cơ bản trong chương trình học và có khả năng phân loại học sinh tốt, vì những câu dễ thì rất dễ, câu khó lại cực khó.
Còn ở môn thi tiếng Anh, đề thi năm nay có tới 50% câu hỏi trong đề nằm trong sách giáo khoa, học sinh dễ dàng đạt được 6 điểm. “Bài tập đọc hiểu là phần hay vì yêu cầu cao về kỹ năng đọc. Học sinh phải biết tổng hợp và phân tích thông tin chứ không đơn thuần là dịch nghĩa. Nhiều câu yêu cầu nhiều về cách diễn đạt theo các cấu trúc khác nhau”, thầy Phạm Xuân Hùng, giáo viên tiếng Anh trường Anhxtanh Hà Nội nhận xét.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Dạng đề như năm nay đã khắc phục được tình trạng học vẹt, học tủ của thí sinh. Thí sinh nào thể hiện được năng lực tư duy tốt sẽ có kết quả cao. Đây chính là hướng đổi mới đề thi mà ngành giáo dục hướng tới và đã nhận được phản ứng tốt từ xã hội. |
Lê Vân