Dạy chữ, phải dạy cả làm người

Vụ việc nhóm học sinh đánh nhau ở Trà Vinh, phát tán clip lên mạng Internet vừa qua đã gióng lên một hồi chuông về sự xuống cấp của đạo đức học sinh, một điều thực sự đáng lo ngại với nền giáo dục của chúng ta, bởi lẽ, đã từ lâu nay, giáo dục mới chỉ “chuyên chú” dạy chữ, mà dường như quên mất việc “dạy làm người” cho học sinh.

Đi tìm căn nguyên

“Tôi có nghe nói về clip nhóm học sinh đánh nhau ở Trà Vinh và đã mở ra xem, nhưng thật sự không thể xem hết cả clip vì cảm thấy đau lòng quá, tại sao những học sinh của chúng ta giờ đây lại biến thành những kẻ bạo lực như vậy, đạo đức học đường đã xuống cấp tới mức độ này rồi sao?”, một phụ huynh học sinh chia sẻ.

Hình ảnh nam sinh hỗn chiến như giang hồ diễn ra cách đây 3 tuần tại Hà Nội.


Điều đáng nói ở đây, vụ việc như clip quay không phải là cá biệt gì trong trường học. Đã từ lâu nay, trên mạng thường xuyên xuất hiện những clip học sinh đánh nhau, học sinh nam có, học sinh nữ có, đánh hội đồng có, cả đám học sinh cùng lớp đứng xem, thậm chí cổ vũ cho hai bạn của mình đánh nhau cũng có.

Và ngoài đời, cũng không ít những trường hợp học sinh bị bắt nạt trong lớp, trong trường. Điều này thực sự đã gióng lên một hồi chuông về việc cần phải xây dựng lại đạo đức trong trường học, dạy các em học làm người cùng với việc học kiến thức.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những nguyên nhân của hành vi bạo lực học đường, thầy Nguyễn Văn Lượt, giảng viên tâm lý học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội phân tích: “Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em.

Trên thực tế hiện nay, có một bộ phận trẻ vị thành niên bị cha mẹ đối xử nghiêm khắc - cứng nhắc, dẫn tới việc trẻ không có cơ hội chia sẻ tâm tư với cha mẹ, do đó những thiếu hụt trong nhận thức, những lệch lạc trong hành vi, không được kịp thời uốn nắn.

Trong khi đó, ở giai đoạn 11 - 12 tuổi, đặc biệt là 15 - 16 tuổi, sự khao khát khẳng định cái “tôi” của trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trẻ mong muốn được thể hiện những suy nghĩ, quan điểm, niềm tin và hành xử theo cách riêng của mình.

Cha mẹ làm cho con cái cảm thấy cô độc ngay chính trong ngôi nhà của mình, bên cạnh đó, ở trường học, vì một vài lý do nào đó, trẻ không đạt được những kết quả tốt trong học tập và nhận được sự trách mắng của cha mẹ, thầy, cô; cuối cùng, trẻ không có điều kiện khẳng định cái tôi một cách “đúng đắn”.

Và để thỏa mãn nhu cầu này, trẻ sẽ gia nhập vào các nhóm bạn xấu, đắm mình vào các trò chơi game online, đua xe, nghiện hút, đi bụi, dùng các loại thuốc kích thích... như một sự khẳng định bản thân mình.

Vụ việc tại Trà Vinh là một bằng chứng: Thay vì khẳng định bản thân mình bằng kết quả học tập ở trường, các em lại lấy những “chiến tích” như “bắt nạt bạn cùng trường”, trấn lột”, “đánh bạn”... để “ra oai” với bạn bè cùng trang lứa”.

Cũng theo thầy Nguyễn Văn Lượt, giới trẻ hiện nay bị ảnh hưởng mạnh của văn hóa, phương tiện truyền thông. “Một bộ phận học sinh đắm mình vào các nhân vật ảo của các trò chơi game online trực tuyến đầy tính chất bạo lực. Các trò chơi này đã ảnh hưởng đến tính cách của trẻ, trẻ hành động như tính cách của những nhân vật trong game…

Các bộ truyện tranh bạo lực hoặc có nội dung khiêu dâm được phổ biến rộng rãi… đã tác động không nhỏ đến nhận thức, thái độ và tình cảm của các em. Từ đó, hình thành hành vi bạo lực ở học sinh”, thầy Nguyễn Văn Lượt chia sẻ.

Cách đánh giá, xếp loại trong giáo dục cũng cần thay đổi, với mục tiêu là hỗ trợ học sinh tiến bộ hơn. Làm sao để người dạy hiểu rõ quá trình phát triển tâm lý, sức học, những biến cố của học sinh để lắng nghe, chia sẻ, cùng các em tiến bộ. Đây là giải pháp nhằm giải quyết cơ bản tình trạng bạo lực học đường hiện nay.

TS Nguyễn Tùng Lâm



Đó là về mặt tâm lý, còn dưới góc độ giáo dục, thì theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: “Hiện nay cách đánh giá đạo đức học sinh ở trường phổ thông chưa phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Cách đánh giá với một học sinh không chỉ tồn tại trong vài câu chữ.

Người dạy còn chưa rõ sự chuyển biến của người học, không phân biệt được điểm mạnh, điểm yếu để tiếp tục đào tạo hoặc phân công trách nhiệm trong lớp. Ví dụ, với những học sinh giỏi không nhất thiết các em phải làm lớp trưởng nếu năng lực các em không đủ đảm nhận, trong khi trên thực tế hiện nay, cứ em nào học giỏi thì được làm lớp trưởng”.

Chờ sự thay đổi từ người lớn

“Mỗi vụ việc đều có những tình huống giống hoặc không giống nhau. Vì vậy, nhà trường cũng như giáo viên cần hết sức để ý, xem xét thấu đáo và đưa ra giải pháp phù hợp để giáo dục nhân cách học sinh. Những hình thức kỷ luật phải đi đôi với giáo dục đạo đức, làm sao để học sinh tiến bộ và nhận ra sai trái của mình để sửa chữa”, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD - ĐT nhấn mạnh.

Ông Ngũ Duy Anh cũng nhấn mạnh, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng. Bởi gia đình là trường học đầu tiên của học sinh, nên bất kỳ cấp học nào, lứa tuổi nào học sinh cũng cần sự sát sao của cha mẹ.

Đặc biệt, những học sinh trong độ tuổi thay đổi nhiều về tâm sinh lý thì càng cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ. “Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức, các em đến trường cần biết đúng sai, đây là cơ sở hình thành nhân cách cho cuộc sống sau này”, ông Ngũ Duy Anh khẳng định.

Còn theo TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), những vụ việc xảy ra khiến người lớn phải nhìn nhận lại. “Dường như việc giáo dục trong nhà trường lâu nay vẫn xem nhẹ nhân cách, mà chỉ tập trung cung cấp kiến thức. Trong khi, việc dạy chữ và dạy là người là hai mặt có quan hệ mật thiết trong giáo dục nhà trường. Cùng với đó, cũng cần có sự chuyển biến trong đạo đức xã hội, trẻ chỉ là tấm gương phản chiếu hiện trạng xã hội. Vì thế, muốn giải quyết tận gốc tình trạng này, phải có sự thay đổi từ người lớn”, TS Vũ Thu Hương khẳng định.


Lê Vân



Trà Vinh công bố quyết định kỷ luật nhóm học sinh đánh bạn
Trà Vinh công bố quyết định kỷ luật nhóm học sinh đánh bạn

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã công bố quyết định kỷ luật nhóm 9 học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Trà Vinh đã có hành vi đánh bạn cùng trường, quay clip tung lên mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN