Bị động
Một tháng trước đây, anh Nguyễn Văn Minh, phường Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội) có con trai học Trường THPT Thạch Bàn than thở: “Con trai tôi học lớp 11, nhưng nhà trường vẫn không có phương án dạy online trong quá trình nghỉ học. Ở nhà, con chơi dài, suốt ngày chỉ xem tivi, chơi games...”.
Đến nay, tình hình có cải thiện hơn với con anh Minh. Nhà trường đã giao bài tập, học trực tuyến trên truyền hình, nhưng nhiều bài không hiểu, học sinh khó tương tác được với giáo viên ngay.
“Kiến thức học bập bõm làm sao đảm bảo được với tình trạng dạy và học nửa vời như hiện nay. Nhiều phụ huynh lo lắng vì nghỉ học do dịch COVID-19 kéo dài...”, anh Minh cho hay.
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Nhiều bài của các con, tôi không thể giảng được do hạn chế về kiến thức. Mặt khác, những lúc học trực tuyến, con cần hỗ trợ hỏi thêm thì lại là giờ bố mẹ phải làm việc. Rất khó để các con tự học, tiếp thu kiến thức...”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Hà Nội, tình hình dạy trực tuyến ở bậc phổ thông vẫn đang dừng ở mức học qua truyền hình (học sinh không được tương tác), quản lý lớp học online qua các ứng dụng miễn phí, nhưng đường truyền không ổn định. Mặt khác, nhiều thời gian học bị kẻ xấu tấn công vào lớp trên mạng, khiến việc học bị gián đoạn. Trong khi đó, việc học online chỉ duy trì ở một số trường và khu vực tư thục, có ưu thế về ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, chưa có thời điểm nào mà phụ huynh hiện nay chính là trợ giảng của nhà trường, hỗ trợ mọi mặt cho nhà trường khi cần. Phụ huynh tham gia vào lớp học trực tuyến của học sinh, giám sát thời khóa biểu, nhận định về bài giảng của giáo viên… Đây là những bất cập của việc dạy học trực tuyến.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: Khi thực hiện cách ly xã hội, ông bà, cha mẹ, anh chị... cùng ở nhà, vừa quan tâm, vừa hiếu kì, tất cả bỗng trở thành khán giả của các lớp học Microsoft Teams, Google Classroom, Zoom Meeting… Mỗi giờ dạy online không còn là thế giới riêng của thầy và học trò, mà là không gian mở với tất cả những “thanh tra viên” nghiêm khắc từ chuyên môn tới thời trang, thẩm mỹ... Những tình huống dở khóc, dở cười như: Bố quát con, mẹ nhắc bố không can thiệp vào giờ học của con đã xuất hiện và được nhiều giáo viên chia sẻ, rút kinh nghiệm sau giờ học online.
“Bên cạnh đó, để có một giờ dạy trực tuyến, giáo viên phải có những thay đổi cho phù hợp từ giáo án tới phương pháp. Chỉ có đầu tư nhiều hơn về thời gian, tâm sức, chứ không nhàn hơn như cảm nhận của nhiều “thanh tra viên”, coi giờ dạy online của giáo viên nhẹ nhàng tựa lướt facebook, chơi game, nghe nhạc…” TS Trịnh Thu Tuyết cho biết.
Vùng khó thêm khó khăn
Điều dư luận băn khoăn nhất là việc triển khai dạy và học trực tuyến đồng bộ sẽ như thế nào ở vùng khó, vùng sâu, vùng xa. Qua những chia sẻ của các giáo viên, lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương, thì hình thức này đang khiến nhiều nơi “đánh vật”. Bởi, học trực tiếp trên lớp, nhiều gia đình và học sinh còn cần phải có sự tác động của chính quyền xã, bản; giáo viên đến tận nhà vận động, thuyết phục, bố mẹ mới cho con xuống trường, học sinh mới ra lớp. Nay học online lại càng khó hơn.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, cô Bùi Thu Thuỷ, Trưởng phòng Đào tạo trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cho biết: Học sinh của trường đến từ hơn 20 tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, có nhiều em là dân tộc ít người, điều kiện kinh tế khó khăn, đang là nhân lực lao động chính của gia đình. Vì vậy, thuyết phục học sinh học trực tuyến rất nan giải. Nhiều lần giáo viên liên lạc với phụ huynh để gia đình cho con em học online, nhưng họ đều nói con họ đi làm nương và không có tiền mua 3G. Thậm chí, có gia đình vẫn chưa thể liên lạc được.
Điện Biên là một trong những địa phương gặp khó khăn nhất trong việc triển khai dạy học trực tuyến. Theo ông Cù Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Điện Biên, đến nay chỉ có 73% học sinh bậc THPT được học từ xa, qua internet, trên truyền hình hoặc giao bài tập trực tiếp. Đây là nỗ lực lớn, bởi Điện Biên là tỉnh miền núi có 40% hộ nghèo, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa chưa có mạng internet, sóng điện thoại tới nơi.
Cụ thể, tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên), việc triển khai các hình thức học tập cũng chỉ thực hiện được tại khu vực thị trấn và bản vùng thấp của xã Mường Báng. Chỉ có 20% học sinh tiểu học, THCS tiếp cận được học trên truyền hình, internet. Bên cạnh đó, sự quan tâm của phụ huynh và ý thức học sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh tham gia học trên truyền hình, internet đạt thấp.
Còn ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, tỉnh có nhiều học sinh sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nên ngoài dạy học qua internet, trên truyền hình, các giáo viên còn đến tận nơi giao bài trực tiếp cho học sinh, nhất là với cấp tiểu học.
“Giáo viên nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao, cộng với sự phối hợp của cán bộ đoàn, phụ huynh hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian ở nhà, nhưng tỉnh đang vào mùa phát nương làm rẫy, các em học sinh phải tham gia lao động cùng gia đình, do đó việc triển khai học từ xa gặp không ít khó khăn”, ông Khoa cho biết.
Bài 2: Không để học sinh bị bỏ lại phía sau