Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nhà trường

Những năm gần đây, nhiều trường đại học nước ta đã có những công trình khoa học có giá trị cao, ứng dụng tốt trong thực tiễn.

Thiếu và yếu

TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu “Hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm bụi sử dụng ảnh vệ tinh”, với sản phẩm là hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí qua Internet, cung cấp chỉ số chất lượng không khí tại các khu vực, được cập nhật liên tục. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam sử dụng ảnh vệ tinh trong đánh giá chất lượng môi trường.

Một số trường đại học đã có những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc. Ảnh: hust.edu.vn

TS. Thanh cho biết, tận dụng lợi thế của trạm thu hình ảnh vệ tinh được ĐHQG HN đầu tư lắp đặt tại tòa nhà của trường từ năm 2014, cô đã xây dựng ý tưởng và cùng các sinh viên thực hiện công trình này. Ngay khi vừa hoàn thành, sản phẩm đã nhận được đơn đặt hàng của nhiều đơn vị.

Hay công trình nghiên cứu về “Thiết lập tế bào gốc buồng trứng và nghiên cứu về khả năng biệt hóa của chúng thành tế bào trứng” của PGS.TS Bùi Hồng Thủy, khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Tân tạo vừa được công bố trên tạp chí Development uy tín hàng đầu thế giới; cũng là một trong những nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực về tế bào gốc ở Việt Nam và những ứng dụng trong trị liệu các bệnh vô sinh...

Theo Phó Giám đốc ĐHQG HN Nguyễn Hữu Đức, vừa qua, một số trường đại học lớn của Việt Nam đã nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học của thế giới; trong đó, ĐHQG HN xếp thứ 1 Việt Nam và thứ 1.895 thế giới. Việc xếp hạng dựa trên tiêu chí là các đầu bài nghiên cứu, công bố các công trình khoa học.

Tuy nhiên, so với xếp hạng thế giới thì đầu tư cũng như hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học nước ta vẫn còn thấp. Hoạt động nghiên cứu khoa học mới chỉ phát triển mạnh ở các trường đại học lớn như: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa... Phần lớn các trường vẫn chưa mấy quan tâm đến chất lượng nghiên cứu khoa học. Hệ thống trang thiết bị để phục vụ nghiên cứu cũng chưa được đầu tư đúng mức. Theo thống kê, trong số hơn 5.500 phòng thí nghiệm của các trường đại học, cao đẳng hiện nay, chỉ có 22,5% có thiết bị tốt, 15,5% đạt mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, 1,4% phòng có chất lượng tương đương trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân của việc yếu kém trong các nghiên cứu ứng dụng, chưa phát huy được khả năng sáng tạo của giảng viên, sinh viên.

Không chỉ hạn chế về số lượng và chất lượng, các trường cũng còn yếu trong việc ứng dụng, thương mại hóa các kết quả đã nghiên cứu thành công.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá: “Hoạt động khai thác, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, sáng chế từ các trường đại học tới cộng đồng doanh nghiệp còn rất khiêm tốn. Hiện tại, một số trường đại học lớn đã thành lập được đơn vị có chức năng hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả vì thiếu tính liên kết với các doanh nghiệp”.

Thay đổi chính sách hỗ trợ

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trường đại học lọt vào top 200 trường đại học tốt nhất thế giới, cần sự nỗ lực rất lớn của phía các trường và các chính sách hỗ trợ đầu tư từ phía Bộ KH&CN; vì các trường muốn được xếp hạng cao phải có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc.

“Trong Luật Khoa học và công nghệ đã thừa nhận hệ thống trường đại học nghiên cứu, tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích, đề xuất với Bộ KH&CN để có những chính sách phù hợp hỗ trợ, đầu tư phát triển việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học, góp phần phát triển nền khoa học nói chung”, Phó Giám đốc ĐHQG HN Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, để tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ ban hành các chính sách về kinh phí và biên chế cho việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Cùng với đó sẽ hỗ trợ thành lập, triển khai hoạt động của các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ trong trường đại học với doanh nghiệp, hỗ trợ nuôi dưỡng các ý tưởng mới, hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu. Chính sách xác định phân chia lợi nhuận đối với tác giả, những người nghiên cứu khoa học cũng đang được xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi bản quyền chuyển giao một cách đích đáng cho người nghiên cứu.

TN
Người thầy thuốc say mê nghiên cứu khoa học
Người thầy thuốc say mê nghiên cứu khoa học

Với nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong khám, điều trị cho người bệnh, gần 30 năm qua, thầy thuốc ưu tú, BS Lê Chính Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã mang lại sức khỏe và tiếng cười cho hàng nghìn bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN