Không nên để học sinh lớp 1 học trực tuyến
Những ngày qua, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi cá con chuẩn bị bước vào năm học mới theo hình thức online, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Chị Hoài Thương (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thời khoá biểu của con trai chuẩn bị mới vào lớp 1 với những khung giờ như học trực tuyến. Theo thời khóa biểu này mỗi ngày con chị sẽ phải ngồi trước máy tính để học 5 - 6 tiết, mỗi tiết kéo dài 40 phút.
Chị Thương cho rằng thời khoá biểu này là quá sức với những đứa trẻ 6 tuổi. Cầm thời khóa biểu của con, chị Thương "tá hoả" hơn vì như thế con không thể tập trung ngồi trong 40 phút. “Nguyên việc ổn định lớp học cô giáo đã mất 15 phút, còn lại các con ngồi nghe cô nói. Chưa kể, việc học trong các khung giờ hành chính, gần như phụ huynh phải hỗ trợ các con. Điều này liệu có bất hợp lý không?”, chị Thương đặt vấn đề.
Chị Nguyễn Thị Trà My (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Con bắt đầu vào lớp trực tuyến từ 8 giờ, điểm danh lớp 15 phút rồi bắt đầu học. Nhưng điều đáng nói là nhà trường bê nguyên thời gian biểu học trực tiếp vào trực tuyến. Học đến buổi thứ 2 con đã không thể ngồi yên được. Tôi lo ngại về tình trạng thị lực của con nếu tiếp tục tiếp diễn”.
Trên thực tế, ở góc nhìn chuyên gia, học sinh lớp 1 bắt buộc phải có cha mẹ đồng hành. Trong khi điều này không thể đồng bộ ở nhiều nơi.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc học sinh lớp 1, 2 học trực tuyến rất cần cha mẹ hỗ trợ. Cụ thể phụ huynh cần ở bên cạnh các con, giúp các con chuẩn bị các thiết bị học tập, kiểm tra đường truyền và nhắc nhở các con vào học đúng giờ. Phụ huynh cũng cần phải hướng dẫn hỗ trợ các con các thao tác như là tắt mic, mở mic, gõ thông tin ngắn trong ô chat hay là ấn nút giơ tay...
Theo ghi nhận, nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã cho học sinh học online từ 3/8. Trải qua 3 tuần học nhiều phụ huynh lo lắng khi chất lượng học online không đảm bảo, chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con em.
Trong khi đó, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhiều địa phương trên cả nước đã phải lùi thời gian tựu trường, chưa dạy online với học sinh tiểu học.
Lớp 1 chỉ dạy online khi có cha mẹ
Trước những bất cập này, chiều 26/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT trên toàn quốc về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021 - 2022. Trong đó nhấn mạnh đến việc trong thời gian học sinh không thể đến trường để phòng chống dịch COVID-19, các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể.
Theo đó, các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh; lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2.
Các nhà trường phải chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà; sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn.
Tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến; giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà; thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học, buổi học.
Thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định.
Nhà trường cũng phải thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.
Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định, các cơ sở giáo dục phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp các em học sinh lớp 1 học phần Học vần môn Tiếng Việt được phát trên sóng (kênh) VTV7 và các ứng dụng khác bắt đầu từ ngày 6/9/2021.
Nhà trường hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến cha mẹ học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.
Các Sở GD&ĐT sử dụng kho bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” và chủ động tổ chức xây dựng kho bài giảng dùng chung cho các môn học khác để tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) chỉ đạo phát sóng trên đài truyền hình địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) với khung giờ phù hợp, tạo điều kiện thuận tiện cho cha mẹ học sinh hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập qua truyền hình và gửi về các nhà trường để giáo viên gửi đến cha mẹ học sinh cùng phối hợp hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.