Hiện tượng “thầy chán dạy, trò chán học” trong môn Lịch sử đang được “mổ xẻ” dưới nhiều góc độ. Mong muốn Lịch sử trở thành môn học yêu thích là nguyện vọng chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Bài viết này của một cô giáo dạy sử nói lên phần nào điều đó... Nhưng làm thế nào để cả giáo viên và học sinh đều có hứng thú trong giờ học Lịch sử? Làm sao để mỗi giờ học Lịch sử không (còn) phải là một gánh nặng mà sẽ là một món quà với cả thầy và trò?
Học sử như “bị tra tấn”
Nhiều học sinh đã thẳng thắn bày tỏ: Em thích xem phim, đọc sách lịch sử nhưng em không thích học Lịch sử ở trên lớp. Có em không ngần ngại mà nói thẳng: Em thấy học sử như bị “tra tấn” (?)
Để giờ học trở nên cuốn hút, giáo viên cần huy động được sự tham gia tích cực của học sinh.Ảnh: Lê Phú |
Học sinh không thích học môn sử vì nó khô khan, chán ngắt. Cuộc sống xã hội diễn ra phong phú trên mọi lĩnh vực, nhưng trong sách giáo khoa Lịch sử, chỉ có nội dung chính trị, chiến tranh, cách mạng được chiếm phần “nặng” nhất. Sách giáo khoa Lịch sử như sự rút gọn của giáo trình đại học, cao đẳng. Ngôn ngữ diễn đạt trong sách giáo khoa ở cấp trung học phổ thông cũng giống như ở trung học cơ sở hay tiểu học, dù tâm - sinh lý lứa tuổi và khả năng nhận thức của học sinh ở các bậc học hoàn toàn khác nhau.
Học sinh sợ học sử vì phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian, số liệu. Học sử nhất thiết phải tìm hiểu sự kiện lịch sử, nhưng học sinh phải nhớ quá nhiều sự kiện, mốc thời gian, số liệu đã quan niệm rằng: Lịch sử là một môn học thuộc, chỉ cần có trí nhớ tốt (là có thể học tốt), không cần phải có tư duy sáng tạo. Điều này đã khiến nhiều giáo viên tìm cách dạy sao cho học sinh dễ nhớ, dễ thuộc; học sinh thích ghi chép càng ngắn càng tốt để dễ học, tìm ra những công thức học “tắt” cho dễ thuộc lòng để qua kỳ thi. Giờ học Lịch sử lại càng thêm khô khan.
Học sinh chán học sử vì kiến thức chỉ được nhồi nhét một chiều. Với đặc điểm ham hoạt động, thích khám phá, nhiều học sinh, nhất là những học sinh ở bậc phổ thông trung học bước đầu đã có tư duy độc lập, thể hiện rõ việc không thích sự áp đặt kiểu “ta luôn thắng, địch luôn thua, ta tốt, địch xấu” như phong cách của tranh cổ động một thời “Địch xanh - Ta đỏ; Địch nhỏ - Ta to; Địch co ro - Ta hùng dũng” (!)
Khi giáo viên viết tên bài “Chiến thắng Biên giới - thu đông 1950”, có học sinh nói: “Thưa cô, đã biết ta thắng rồi cần gì phải học nữa ạ?”. Khi học về các chiến dịch, học sinh thắc mắc: “Tại sao ta toàn chiến thắng, địch toàn thua? Tại sao chỉ có số địch thiệt hại, còn bên ta không thấy nói có bao nhiêu thương binh, liệt sỹ? Tại sao trận này ta bảo ta thắng, địch lại bảo ta thất bại?”...v.v và v.v.
Học sinh coi thường môn sử vì thấy kiến thức lịch sử không được vận dụng vào cuộc sống. Không ít giáo viên dạy sử đã được nghe câu: “Thưa cô, em không biết học Lịch sử để làm gì ạ.”. Xin đừng vội trách học sinh, bởi vì đúng là nhiều kiến thức Lịch sử không được vận dụng vào đời sống, nhiều điều các em cần lại không được trang bị trên ghế nhà trường. Những câu hỏi rất gần gũi cuộc sống của các em cần được giải đáp như: Ý nghĩa của tên làng xóm, con phố nhà em là gì? Đình làng em thờ ai, vị ấy có công gì với làng? Quê em có truyền thống và phong tục gì? Các nghi lễ thờ cúng ở nhà em, ở đình, chùa làng em như thế nào?... lại chẳng mấy khi được quan tâm giải đáp. Hay kiến thức về chủ quyền trên Biển Đông, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam rất cần trang bị cho học sinh trong bối cảnh hiện nay nhưng chưa được đề cập tới trong chương trình và sách giáo khoa.
Bài toán nan giải
Một yêu cầu quan trọng đối với giáo viên là phải Dạy đúng, nhưng học sinh còn cần những giáo viên Dạy hay. Giáo viên môn Lịch sử làm sao Dạy đúng và Dạy hay? Tiêu chí Dạy đúng dễ xác định thông qua chuẩn kiến thức, chương trình và sách giáo khoa. Dạy hay thì thật khó đo đếm. “Thước đo” để xem xét có lẽ chỉ thông qua sự hứng thú của học sinh.
Kiến thức Lịch sử trong sách giáo khoa sử phổ thông hiện nay của chúng ta gồm nhiều lĩnh vực, nhưng lại rất khái quát, ít đi sâu vào những dẫn chứng cụ thể, sinh động. Một khối lượng kiến thức đồ sộ chỉ được giới thiệu trong thời gian hạn hẹp: Văn hóa cổ đại Phương Đông và Phương Tây, văn hóa Phục hưng, các phát kiến địa lý, sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, văn học nghệ thuật… tóm lại cả đông - tây, kim- cổ chỉ được học trong vòng vài chục phút thì làm sao có thể cho học sinh “nuốt trôi” chứ đừng nói đến cảm nhận và rung động trước cái đẹp, trước những sự kiện bi hùng, trước những con người được quá khứ nhân loại ghi tên - điều mà môn sử cần hình thành cho các em.
Với những nội dung kiến thức của Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, giáo viên càng khó để Dạy đúng và Dạy hay khi nội dung kiến thức rộng lớn, chủ yếu là chính trị - quân sự, hòa trộn giữa Lịch sử Đảng và Lịch sử dân tộc, số liệu quá nhiều, ít các nhân vật lịch sử hiện đại… Nếu giảng thêm, nêu thêm nhiều minh họa, giáo viên sẽ không có thời gian để khắc sâu kiến thức cho học sinh. Nếu giáo viên cố gắng “chốt” kiến thức cho học sinh, giờ học sẽ diễn ra theo kiểu thầy giảng - trò chép, thầy hỏi - trò đáp một cách nhàm chán.
Việc dạy hay của giáo viên còn phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo và năng lực tổ chức các hoạt động học tập để tạo hứng thú cho học sinh. Ngoài ra, nó cũng bị chi phối không nhỏ bởi ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng nói truyền cảm, có ngữ điệu và cả những cử chỉ, điệu bộ của giáo viên trong việc tạo nên xúc cảm lịch sử cho học sinh. Như vậy, cố gắng Dạy đúng còn khó khăn lại còn phải Dạy hay, quả là điều nan giải, lực bất tòng tâm của nhiều giáo viên môn Lịch sử.
Để Lịch sử là môn học yêu thích
Xác định đúng vị thế bộ môn Lịch sử trong trường phổ thông là điều cần làm trước hết để nâng cao tâm thế người dạy và người học Lịch sử. Khi giáo viên Lịch sử bị xem là người dạy “môn phụ”, kiến thức lịch sử chỉ để “ứng thi” nếu có trong kỳ thi tốt nghiệp hoặc trong thi đại học khối C thì sẽ khó có sự cải thiện tình hình. Môn Lịch sử phải được trở lại với giá trị (gốc) của nó là môn học để làm người, giáo dục lòng yêu nước, giữ bản sắc và truyền thống dân tộc, tạo gốc rễ vững bền cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Khi ấy, người giáo viên sẽ tự hào vì mình dạy môn Lịch sử, học sinh sẽ cảm thấy xấu hổ vì mình dốt Lịch sử nước nhà.
Nội dung kiến thức lịch sử đưa vào giảng dạy trong nhà trường phong phú, đa dạng, không chỉ phản ánh những cuộc chiến tranh, cách mạng mà còn phải chú trọng tới kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật… Ở bậc Tiểu học, chỉ cần học lịch sử qua Truyện kể lịch sử, với ngôn ngữ sinh động, phù hợp với trẻ em. Ở cấp trung học cơ sở, các em sẽ học các sự kiện cơ bản của Lịch sử thế giới và Việt Nam. Ở cấp trung học phổ thông, học sinh sẽ học lịch sử qua các chủ đề, nâng cao kỹ năng thực hành bộ môn. Nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với khả năng nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lý và sự phát triển ngôn ngữ của đối tượng học sinh từng cấp. Bên cạnh đó, nên tăng thời lượng và mở rộng việc dạy - học sử ở bảo tàng, trên thực địa, gắn dạy và học lịch sử với giáo dục di sản, di tích, văn hóa ở địa phương gần gũi với học sinh.
Nhà trường không phải là nơi duy nhất cung cấp kiến thức. Học sinh cần được trang bị phương pháp học và tự học để biết cách khai thác và xác minh thông tin, đồng thời cũng biết cách phân tích sự kiện, hiện tượng lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá. Giáo viên có trách nhiệm định hướng, kiểm tra và “chỉnh sửa” khi cần thiết những hoạt động có tính thao tác này.
Trong môn Lịch sử, học sinh có thể phát huy sự độc lập, sáng tạo của mình trong tư duy, học tập và kiểm tra qua những hình thức và phương pháp mới thay vì (phải chịu) quá nặng hình thức kiểm tra ghi nhớ kiến thức như hiện nay. Những bài kiểm tra “phá cách” như viết thư cho một nhân vật lịch sử, viết cảm tưởng khi đứng trước di tích Lịch sử, hay sử dụng công nghệ hiện đại để làm video clip hoặc thậm chí một dự án làm phim Lịch sử có thể khiến học sinh vô cùng hứng thú.
Đừng kết tội “Học sinh ta đã quay lưng với môn Lịch sử” mà phải thấy rằng các em đang “đòi” được học Lịch sử tốt hơn cái mà nhà trường chúng ta đang có.
Học đi đôi với hành, tăng cường thực hành bộ môn và vận dụng kiến thức Lịch sử vào cuộc sống là một phương cách để phát huy giá trị bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông, để mỗi bài học Lịch sử là một “món quà” chứ không phải là một “cuộc tra tấn”.
ThS Trần Vân Anh - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội