Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được đơn của thí sinh Đặng Thị Huyền và Công văn số 1270/SGDĐT- KT&QLCLGD ngày 6 tháng 11 năm 2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đề nghị cho thí sinh Đặng Thị Huyền được nhập học tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Bố con em Đặng Thị Huyền đi dự lễ tuyên dương học sinh DTTS tiêu biểu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hà |
Sau khi nghiên cứu nội dung của đơn đề nghị, ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng như kiểm tra các thông tin có trong hệ thống quản lý tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thí sinh Đặng Thị Huyền đã tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2016, đoạt giải Ba môn Địa lý và có kết quả trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 là: Toán: 5,0; Ngữ Văn 7,5; Lịch sử: 7,0; Địa lý: 9,0. Thí sinh đă đăng ký đợt 1 vào 2 trường: Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội . Sau đó, thí sinh đã trúng tuyển vào 2 ngành: Ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội và Ngành Việt Nam học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cho đến thời điểm này, thí sinh chưa đăng ký nhập học vào bất kỳ trường đại học nào và cũng không nằm trong danh sách các thí sinh đã đăng ký vào các trường khối Công an.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trường Đại học Luật Hà Nội căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của gia đình thí sinh và ý kiến đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang để xem xét, tiếp nhận thí sinh Đặng Thị Huyền vào học ngành thí sinh đã trúng tuyển.
Trước đó, ngày 4/11, Đặng Thị Huyền, người dân tộc Hoa, huyện Quản Bạ, Hà Giang được mời về Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi, đạt thành tích cao. Tuy nhiên, dù được tuyên dương vì đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, vừa được 27,5 điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016 nhưng Huyền vẫn bị trượt đại học.
Đặng Thị Huyền đã viết một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, trình bày rõ: Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016, em đạt 27,5 điểm, làm hồ sơ xét tuyển vào học ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng do gia đình ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn, đi lại vất vả, mạng lưới công nghệ thông tin không phát triển nên cháu không kịp thời cập nhật thông tin để gửi giấy báo điểm cho trường, làm mất cơ hội học tập duy nhất của bản thân.
Theo chia sẻ của Huyền, sau khi biết điểm chuẩn, nghĩ rằng đã đỗ cả hai trường nên Huyền ở nhà chờ giấy báo nhập học của trường nhưng chờ mãi không thấy giấy báo gửi về. Giải thích của Huyền cho thấy Huyền hoàn toàn không nắm được quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, đó là thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường, nếu không sẽ xem như từ chối nhập học. Do Huyền không nộp giấy báo điểm nên các trường đều cho rằng, đây là thí sinh ảo nên không gọi nhập học.