Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã tổ chức “Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục đại học (GDĐH) theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam”. Đây được xem là một trong những định hướng đổi mới quan trọng của GDĐH Việt Nam.
Tổ chức hợp tác quốc tế về giáo dục của Hà Lan đã tài trợ cho Việt Nam dự án phát triển GDĐH theo định hướng nghề nghiệp (POHE). Ông Siep Littooij, đồng giám đốc dự án POHE cho rằng, trên 60% sinh viên Việt Nam ra trường kém về kỹ năng, doanh nghiệp không hài lòng, họ phải đào tạo lại mới sử dụng được. Trong khi đó, với chương trình đào tạo của dự án POHE, kết quả cho thấy, sau 6 tháng ra trường thì 85% sinh viên của chương trình GDĐH theo định hướng nghề nghiệp tìm được làm. Đó là kết quả khẳng định, trường đại học và doanh nghiệp phải gắn bó chặt chẽ với nhau trong đào tạo.
Dự án đào tạo của POHE đã đi đến giai đoạn 2 (từ 2012 - 2015), được mở rộng đến toàn hệ thống GDĐH ở Việt Nam. Hiện nay, ngoài 8 trường đại học tham gia từ giai đoạn 1 (2005 - 2009), dự án đã triển khai 50 chương trình GDĐH theo định hướng nghề nghiệp và đang tiếp tục được mở rộng ở nhiều trường khác. Đến nay, dự án POHE đã đào tạo 2.200 sinh viên tốt nghiệp và hơn 6.000 sinh viên đang theo học, thu hút hơn 500 cơ quan, doanh nghiệp tham gia hợp tác. Như vậy, 8 trường đại học tham gia dự án này ngay từ đầu sẽ là hạt nhân để để giúp các trường đại học khác trong cả nước triển khai chương trình đào tạo này. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành để ban hành các chính sách liên quan, làm cơ sở cho các trường đại học triển khai chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp này.