Đề xuất được đưa ra tại Hội nghị lắng nghe ý kiến của các Sở, ngành về phát triển thành phố Cần Thơ diễn ra ngày 22/11, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Văn Tâm chủ trì.
Theo bà Trần Hồng Thắm, đến nay việc thực hiện Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có việc phát triển Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành, xây dựng Trường Đại học Kiến trúc tại Cần Thơ và một trường có vai trò quan trọng trong yêu cầu xã hội hóa giáo dục là Trường Đại học quốc tế chất lượng cao vẫn chưa đạt được. Do đó, việc thành lập một Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với các ngành như xã hội học, văn hóa, ngoại ngữ… là cần thiết cho việc phát triển của thành phố Cần Thơ và cho cả vùng.
Vừa qua, Tập đoàn FPT đã xin đất thành phố để thành lập trường đại học nhưng đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa cho phép thành lập trường đại học riêng mà chỉ cho mở chi nhánh. Điều đó cho thấy cơ chế phê duyệt những dự án trường này cho Cần Thơ là chưa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các tập đoàn giáo dục có nhu cầu để thành lập Trường Đại học quốc tế thì Cần Thơ lại chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, vì vậy bà Thắm đề xuất Chính phủ cần có cơ chế ưu tiên hơn đối với loại hình Trường Đại học quốc tế chất lượng cao.
Bà Trần Hồng Thắm cũng đề xuất: Ngoài việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiện toàn quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng cũng như của vùng, còn phải có cơ chế đặc thù trong phê duyệt các dự án trường Đại học trên địa bàn thành phố để Cần Thơ phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm của vùng.
Ngoài ý kiến của bà Thắm, lãnh đạo các Sở, ngành của thành phố Cần Thơ còn có nhiều đề xuất cho việc phát triển của thành phố, như có cơ chế về nguồn vốn đầu tư phát triền lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và cơ chế tài chính, hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này; xây dựng chuẩn nghèo riêng cho Cần Thơ để có thể tập trung cho công tác an sinh xã hội; hỗ trợ đầu tư cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; ưu tiên vốn để Cần Thơ sớm trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung; phát triển đồng bộ các mặt về y tế, du lịch, cắt giảm thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm, việc thực hiện Nghị quyết 45 và Kết luận số 07 của Bộ Chính trị rất quan trọng, đối với việc phát triển của Cần Thơ trong thời gian tới và thành phố cần có những cơ chế đặc thù để phát triển, từ đó kéo các tỉnh khác trong khu vực phát triển theo. Do vậy, ý kiến đề xuất của các Sở, ngành trên từng lĩnh vực là cơ sở để thành phố tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù đối với Cần Thơ.
Đối với ngành Y tế Cần Thơ, ông Tâm đặt vấn đề hiện nay số lượng bệnh viện công, bệnh viện tư của thành phố Cần Thơ hơn các tỉnh khác nhưng số lượng giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa, chất lượng y, bác sĩ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nên người dân vẫn chọn TP Hồ Chí Minh hoặc các bệnh viện tư nhân để khám, chữa bệnh.
Do đó, các sở, ngành cần mạnh dạn đề xuất những vấn đề bức thiết, những điều kiện để Cần Thơ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và để Cần Thơ thật sự trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò kết nối, là trung tâm phát triển toàn diện chứ không chỉ là trung tâm về vị trí, số lượng, ông Tâm nhấn mạnh.