Ông Đức chụp ảnh con trong cuộc thi. |
P/v TTXVN đã tới thăm một trường dạy khiêu vũ tại thủ đô Moskva (LB Nga) để giúp các bạn có thể cảm nhận được những tình cảm, nỗ lực âm thầm của các bậc cha mẹ, thày cô dành cho những học trò-con cưng của mình.
Những cuộc thi đấu trực tiếp đầy căng thẳng, quyết liệt kéo dài để tăng thứ hạng trong Khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp của đôi nhảy Nguyễn Cao Thành Nhân - Kristina Shakhnazaryan luôn có sự đồng hành của ông bố Nguyễn Cao Đức, người cận thận ghi lại từng đoạn phim hay tấm ảnh của cậu con trai mình hay bà mẹ trong những lúc nghỉ giải lao, cũng như các cô giáo của trường Let's Dance - Margarita Petrova và Daria Shelyganova. Thậm chí trong giờ nghỉ, cô Daria còn tranh thủ chỉ bảo hoàn thiện thêm các động tác cho đôi nhảy. Và rồi, giọt mồ hôi cùng như nỗ lực của cha mẹ, thày cô đã đem lại nhiều quả ngọt khi đôi nhảy Thành Nhân - Kristina liên tục đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi Khiên vũ thể thao ở Nga.
Tại trường Let's Dance, một cơ sở khiêm tốn nằm gần ga tàu điện ngầm Smolensk, nơi còn có cậu em của Nhân - Nguyễn Cao Minh Tâm, 7 tuổi, luyện tập - trong bầu không khí luyện tập nghiêm túc, cô Margarita Petrova tận tình chỉ bào từng vũ điệu, bước chân, chuyển động tay để học sinh của mình có thể vươn tới những thứ hạng cao trong các cuộc thi đấu
Cô Margarita khiêm tốn cho biết: "Trường chúng tôi đã hoạt động được 2 năm. Trong thời gian đó chúng tôi đã đạt được kết quả không tồi. Hiện tại trường chúng tôi có nhiều nhóm học sinh. Chúng tôi nhận học sinh từ 3 tuổi cho tới 13 tuổi. Ngoài ra còn có những người lớn, hơn 24 tuổi song muốn biết nhảy, muốn giảm cân và chúng tôi cũng huấn luyện họ. Có thể nói trường của chúng tôi dạy mọi lứa tuổi, từ nhỏ cho tới lớn".
Cô Margarita Petrova ân cần huấn luyện học trò. |
Tôi đến Let's Dance đúng vào dịp trường tổ chức một party nhỏ nhân ngày Halloween, các em được nghỉ ngơi chút ít sau giờ luyện tập nghiêm túc để tự thể hiện các điệu nhảy của mình trong trang phục Halloween và vui chơi phá cỗ. Và điều làm tôi ngạc nhiên là 2 học sinh nhỏ tuổi nhất của trường, nhờ sự khuyến khích, hướng dẫn của cô Daria, có thể mạnh dạn thể hiện điệu nhảy mà khi trước chưa thực hiện được vì bẽn lẽn.
Trao đổi với cô Daria về những khó khăn trong huấn luyện, thi đấu, cô nói: "Đương nhiên tham gia thi đấu rất khó khăn, cần luyện tập nhiều. Phải đặt ra mục tiêu trong cuộc thi. Huấn luyện đôi nhảy rất khó khăn để các tính cách hòa hợp với nhau, bố mẹ quan tâm. Tuần nào cũng phải đi thi và ngày nào cũng phải luyện tập. Những đứa trẻ mệt nhoài cả về tinh thần và thể xác". Đề cập đến thành tích cao của đôi nhảy Thành Thành Nhân - Kristina, cô Daria xác nhận: "Đúng đấy chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều và các em cũng nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi lo lắng cho các em hệt như chúng là những đứa con của mình".
Bố hai cháu Nhân và Tâm, ông Nguyễn Cao Đức bộc bạch: "Đối với các cháu nhỏ, tham gia thể thao phi chuyên nghiệp thì các cháu luyện một tuần khoảng 3 buổi. Các cháu lớn hơn, tham gia thể thao chuyên nghiệp thì phải thi đấu theo thể thức của Liên đoàn Khiên vũ Thể thao. Như vậy các cháu sẽ phải có thời gian tập luyện nhiều hơn. Ngoài các buổi tập trung, các cháu thường phải có những tiết tập thêm. Thày lại phân ra có thày dạy môn cổ điển châu Âu, có thày dạy môn khiêu vũ La tinh. Hiện nay thường xuyên cháu Nhân có 4 thày cô khác nhau, dạy các môn khác nhau".
Để có được những bước nhảy uyển chuyển, chuẩn xác như của cặp đôi Thành Nhân - Kristina hay trong tương lai là Minh Tâm - Ksiusa, các bậc cha mẹ, thày cô giáo đã dành cho con em, học trò mình những tình cảm, nỗ lực thầm lặng vô bờ bến. Đó chính là thứ di sản không thể tính được và nhân ngày 20/11, hãy cùng nhau chúc cho những di sản đó giúp các em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để mai sau vững bước trên con đường đời.