Năm 2011 đánh dấu một mốc son: Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn mà tiền thân là Khoa Kinh tế nông nghiệp của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tròn 50 tuổi.
Lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội khóa 52. |
Từ một Tổ giáo viên Kinh tế chính trị những năm 1957-1962, đến đào tạo kỹ sư Kinh tế nông nghiệp năm 1961, thành lập Khoa Kinh tế nông nghiệp năm 1963, rồi phát triển thành Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn và Khoa Kế toán và quản trị kinh doanh như ngày nay, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã có bước trưởng thành vượt bậc. Từ 5 giáo viên ban đầu, đến nay, khoa có 84 nhân viên, trong đó có 1 giáo sư, 7 phó giáo sư, 26 tiến sỹ, 21 thạc sỹ.
50 năm qua, khoa đã có sự trưởng thành vượt bậc về đào tạo. Từ một ngành đào tạo là Kinh tế nông nghiệp, đến nay, khoa đã và đang đào tạo 5 chuyên ngành ở trình độ đại học (Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế, Quản lý kinh tế, Kinh tế phát triển, Phát triển nông thôn và Khuyến nông), ba chuyên ngành ở trình độ thạc sỹ (Kinh tế nông nghiệp, Quản lý kinh tế và Quản lý phát triển nông thôn). Tính đến tháng 8/2011, Khoa đã đào được 52 khóa đại học chính qui và 37 khóa hệ vừa học vừa làm với hơn 15.000 kỹ sư và cử nhân đã tốt nghiệp, 18 khóa thạc sỹ với hơn 800 thạc sỹ và 70 tiến sỹ kinh tế.
Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn có số lượng người học đông nhất trường (chiếm khoảng 20% số sinh viên đại học, 30% số sinh viên cao học và 35% số nghiên cứu sinh). Hiện đang có gần 2.500 sinh viên đại học, 200 sinh viên cao học và ít nhất 50 nghiên cứu sinh đang theo học ở các chuyên ngành trong khoa. Với 50 năm phát triển, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tự hào là địa chỉ tin cậy, là nơi đào tạo kinh tế nông nghiệp lớn nhất của cả nước, góp phần đưa Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội trở thành một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia.
Có được kết quả trên là nhờ Khoa luôn đi đầu về đổi mới giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Các bộ môn và giáo viên trong khoa chủ động và năng động trong việc xây dựng chương trình đào tạo, các môn học cung cấp các kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, theo xu hướng đào tạo đa ngành và hội nhập, gắn kiến thức kinh tế thị trường với hoàn cảnh nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
Xác định nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ cơ bản trong đào tạo và phục vụ nền kinh tế xã hội, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (năm 2007), các hướng nghiên cứu của Khoa đã tập trung vào các lĩnh vực: Kinh tế hội nhập và các tác động đến nông nghiệp nông thôn; nghiên cứu đa ngành trong nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng gắn với phát triển bền vững; các ảnh hưởng và tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá tới nông nghiệp nông thôn; kinh tế thương mại, dịch vụ du lịch nông thôn; quản trị chuỗi phân phối nông sản và thực phẩm; kinh tế và quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, Khoa đã xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học ở các nước như Đại học Tổng hợp Tokyo, Đại học Tổng hợp Kyushu, Đại học Saga (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Humboldt, Đại học Tổng hợp Holhemheim (Đức), Đại học Cordoba (Tây Ban Nha). Trong những năm từ 2007-2011, Khoa đã triển khai 10 dự án và đề tài quốc tế, công bố 200 bài báo, trong đó có 20 bài đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế và 16 đầu sách in tại các nhà in có uy tín trong và ngoài nước, trong đó có 8 ấn phẩm được công bố bằng tiếng Anh...
Đất nước đang phát triển, hội nhập, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông nghiệp I cũng ngày một lớn mạnh, xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo đội ngũ trí thức thời đại mới.
Bài và ảnh: Đỗ Quyên