Đối với trường ĐH Sư phạm Hà Nội, công tác xét tuyển khá khả quan, điểm chuẩn cao nhất vào trường là 27,75 điểm. Đứng top đầu là ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh (mã ngành: 52140209C) với mức điểm 27,75 cho cả 3 môn; đặc biệt ngành Sư phạm Ngữ văn (mã ngành: 52140217C) cũng tuyển sinh ở mức cao với 27 điểm cho cả 3 môn.
Các ngành sư phạm khác cũng tuyển sinh với mức điểm khá cao như: Sư phạm Tiếng Anh (25,75), Sư phạm Lịch sử (25,5), Sư phạm Giáo dục đặc biệt (26,75), Sư phạm Giáo dục Tiểu học (25,25), Sư phạm Vật lý (22,75), Sư phạm Hóa học (23,75), Sư phạm Địa lý (25,5)...
Với các trường như ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thì cũng thông báo xét tuyển bổ sung tới 9 ngành, trong đó có cả các ngành sư phạm với điểm xét tuyển cao như: Sư phạm Sinh học (24,25 điểm); sư phạm Lịch sử (24 điểm)…
Mặc dù công bố điểm chuẩn 15,5 điểm, nhưng được biết khoa sư phạm thộc Đại học Vinh có 44 em dưới 18 điểm, còn lại đều trên 20 điểm. Mức điểm đầu vào thấp thường rơi vào các đại học địa phương và cao đẳng, đã gây nên lo lắng cho xã hội. Nếu chỉ nhìn vào điểm này mà đánh giá ngành sư phạm là thiên lệch.
Kỳ thi năm nay điểm khác với kỳ thi 1, 2 năm trước. Năm nay chủ yếu thi trắc nghiệm, do đó kiến thức trải dài. Phân tích phổ điểm các trường sư phạm truyền thống thì có mặt bằng điểm khá ổn định, nhưng có một số ngành cao hơn như Toán, tiếng Anh.
Đối với các trường đại học địa phương, cao đẳng; thì có mức điểm chuẩn giảm sút.
Trên thực tế, khát vọng làm nghề giáo của học sinh giỏi vẫn còn. Như vừa qua, có hai học sinh đã được tuyển thẳng vào trường với mức điểm rất cao. Nhưng tôi chỉ đau đáu rằng làm sao đừng dập tắt khát vọng chính đáng đó của các em. Muốn vậy, Nhà nước cần có chế độ chính sách, để đảm bảo thu nhập, việc dạy và học, cũng như cách nhìn nhận của xã hội về nghề giáo. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cũng nhìn nhận: Giáo dục là quốc sách hàng đầu và thầy cô có vai trò quan trọng hàng đầu. Khi nhận ra được điều này và có quyết sách phù hợp, thì chúng ta sẽ có thể tôn vinh được nghề giáo.