Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”

Nhận xét phải phản ánh đúng thực lực của học sinh

Chủ trương “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”, sau 1 tháng triển khai đã nhận được sự đồng tình cao từ phía các bậc phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng phản ánh dù với phương pháp nào thì họ vẫn mong muốn nắm bắt đúng thực lực của con mình. Tin Tức giới thiệu ý kiến một số phụ huynh ở Hà Nội về chủ trương này.

 

Chị Hoàng Thu Anh, ở tập thể trường Múa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội: Giúp trẻ hào hứng khi tới trường


Con gái tôi năm nay bước vào lớp 1, trường Tiểu học Dịch Vọng. Khi được nhà trường phổ biến về cách đánh giá “không cho điểm học sinh lớp 1”, gia đình tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm. Trước đó, tôi cũng không theo trào lưu cho con đi học trước mà vẫn để con “tốt nghiệp” mẫu giáo và có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.

 

Giờ tập viết Tiếng Việt của học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ). Quý Trung - TTXVN


Tôi từng chứng kiến một số con em của bạn bè, đồng nghiệp đã rất buồn, thậm chí khóc vì bị điểm thấp do không đi học trước khi vào lớp 1. Nhiều gia đình phải bỏ thời gian buổi tối dạy con tới tận khuya để con “đuổi kịp” các bạn. Cùng khu nhà tôi có một số cháu học trước rồi đâm ra chủ quan, sau này nhận thức không bằng những bạn học đúng chương trình. Theo tôi, trẻ bước vào lớp 1 là thời gian các cháu bắt đầu làm quen với trường lớp, bàn ghế, tư thế ngồi... là tạo một cái “móng” cho ý thức học tập của các cháu sau này. Học sinh lớp 1 phần lớn chưa thể đọc thông viết thạo, cũng chưa đọc hết được những lời nhận xét cô ghi trong sổ. Tuy nhiên, nếu được khen ngợi trước lớp, khích lệ tinh thần thì chẳng khác gì các con đã được điểm giỏi.


Nhà trường, giáo viên hãy tạo cho trẻ cảm giác vui vẻ khi tới trường để mỗi sáng thức dậy các con hào hứng khi tới lớp. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà gia đình nào cũng mong muốn.

 

Chị Nguyễn Thị Tâm, ở Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội: Nên xem lại kết quả đánh giá năm học


Tôi đi họp phụ huynh được cô giáo phổ biến rằng: “Trong quá trình học, giáo viên không được chấm điểm cho học sinh. Giáo viên phải quan tâm, theo sát, hướng dẫn và đưa ra nhận xét với học sinh. Đặc biệt, giáo viên không được so sánh, chê trách, thông qua điểm số để gây áp lực căng thẳng cho học sinh và phụ huynh trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Theo tôi, đây là chủ trương rất đúng đắn, giải quyết được tình trạng trẻ phải đua nhau học trước chương trình khi vào lớp 1.


Tuy nhiên, phương pháp đánh giá mới cũng quy định “Ngoài bài kiểm tra cuối năm học giáo viên chấm điểm để kiểm tra kiến thức tổng hợp, đánh giá năng lực của học sinh”. Cụ thể, như trường Tiểu học Hoàng Diệu mà con tôi đang học có phổ biến rằng sẽ lấy điểm thi học kỳ 2 để đánh giá kết quả cả năm học của con. Do đó, tôi có chút băn khoăn, không phải lúc nào các con cũng giữ được phong độ tốt. Ví dụ, bình thường cháu được đánh giá là học tốt, viết chữ đẹp, làm tính tốt; nhưng đúng hôm thi vì lí do sức khỏe, hay một việc khách quan nào đó mà cháu làm bài không tốt mà lấy điểm để đánh giá cả năm học thì việc đánh giá đó không công bằng. Thiết nghĩ, ngành giáo dục cũng nên xem lại cách đánh giá kết quả năm học. Cần đánh giá cả quá trình học tập của các con chứ không nên chỉ dựa vào kết quả bài thi cuối năm.

 

Chị Nguyễn Thu An, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội: Tránh những nhận xét chung chung


Theo tôi, chủ trương của Bộ GD - ĐT không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 là hợp lý. Như vậy, giảm được áp lực tới trường đối với học sinh “nhí”cũng như gia đình các cháu. Tuy nhiên, tôi mong những nhận xét của giáo viên phải chi tiết, đánh giá được năng lực của các con. Tránh những nhận xét chung chung như: “Con làm tốt”, “con cần cố gắng”... Giáo viên phải chỉ ra được con tốt chỗ nào, cần cố gắng ở chỗ nào.


Theo tôi, những nhận xét của giáo viên cần phải tập trung vào hạnh kiểm, tình hình sinh hoạt, tính cách của từng em. Từ đó phụ huynh có thể theo sát và giúp con điều chỉnh ngày một tiến bộ hơn.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN