LTS: Chủ trương không cho điểm đối với học sinh lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) năm học 2013-2014 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh… Nhiều ý kiến cho rằng với cách đánh giá như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh lớp 1 khi đến trường. Tin Tức xin đăng tải một số ý kiến.
GS Hồ Ngọc Đại: Làm giáo dục có tâm sẽ đánh giá công bằng
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Bộ GD - ĐT. Với học sinh lớp 1, giáo viên chỉ cần đánh giá được, chưa được; đẹp, chưa đẹp; tốt, chưa tốt; tập trung động viên, khuyến khích trẻ làm đâu được đấy, làm đâu chắc đấy tất cả những việc được giao trên lớp. Chấm điểm học sinh lớp 1 không phản ánh bản chất của giáo dục hiện đại. Khoa học Mỹ đã chứng minh, 99,94% bộ óc của trẻ con hiện đại giống nhau. Điều này có nghĩa, trẻ con hiện đại có thể học tập, nhận thức như nhau trong những điều kiện và môi trường học tập tương đồng.
Giờ tập viết của học sinh lớp 1 trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng sơn, tỉnh Lạng Sơn.Minh Quyết - TTXVN |
Giáo dục lớp 1 cần có một phương thức phù hợp: Học sinh hoàn thành tốt thì giáo viên khen, chưa hoàn thành tốt thì giáo viên nhẹ nhàng nói chưa tốt, làm lại. Xếp loại học sinh vẫn là cần thiết, nhưng cần xếp loại theo những quy chuẩn mới, cách thức khác hơn những cách vẫn làm. Tốt, chưa tốt; được, chưa được; đẹp, chưa đẹp;… sẽ là những hình thức đánh giá, nhận xét dành cho học sinh lớp 1. Xếp loại A, B, C thay vì xếp loại theo điểm số sẽ giúp học sinh giảm thiểu quá tải trong học tập. Khi người làm giáo dục có tâm thì đánh giá sẽ công bằng và không cảm tính.
TSKH Nguyễn Kế Hào, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD - ĐT: Thổi triết lí: “Đi học là hạnh phúc” vào hồn học sinh
Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có nội dung đổi mới thi và đánh giá học sinh. Năm học này, với chủ trương khuyến khích không chấm điểm đối với học sinh lớp 1, tôi cho rằng, Bộ GD - ĐT đang bước đầu thực hiện những nội dung của đề án. Cũng phải nhắc lại rằng, việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 không phải là vấn đề mới. Điều này đã được Bộ GD - ĐT thực hiện từ năm 1995- 2001. Khi đó ở học kỳ I, giáo viên không đánh giá điểm số mà chỉ đánh giá định tính và nhận xét học sinh, thậm chí học sinh tự đánh giá mình. Sau năm 2002 thì trở lại dùng điểm số.
Chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 là cách làm hay. Bắt đầu vào lớp 1, các cháu đều có nhận thức khác nhau, đặc điểm cũng khác. Có cháu đã học trước chương trình, có cháu chưa biết chữ nào cả. Vì vậy cho điểm số là không công bằng, dễ tạo tâm lý chán nản cho trẻ. Trẻ đã học rồi được điểm cao thì chủ quan, trẻ không học trước được điểm thấp, sinh ra buồn bã. Chưa kể nhiều vấn đề tâm lý khác. Chủ trương này cũng tạo sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh, đồng thời, đòi hỏi sự sâu sát của giáo viên hơn. Quan điểm của tôi là làm sao học sinh thích học, gắn bó với trường, lớp, thầy cô, bạn bè. Triết lý “đi học là hạnh phúc” cần được thổi vào hồn học sinh, đặc biệt là từ lớp 1.
Ngoài ra, chủ trương này của Bộ GD- ĐT, sẽ là giải pháp cho một số vấn nạn hiện nay như học trước chương trình, giảm áp lực đối với trẻ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Cần được hướng dẫn rõ ràng
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh có vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học, giúp người dạy kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy cho hiệu quả. Học mà không có đánh giá thì cả giáo viên, phụ huynh đều không thể nắm được lực học, sự tiến bộ của các em như thế nào để có biện pháp giúp con học hành tiến bộ. Còn đối với học sinh, khi biết lực học của mình, sẽ có ý thức vươn lên, cố gắng. Vấn đề là chọn cách đánh giá nào để phản ánh đúng chất lượng dạy và học.
Giáo viên cho điểm thì dễ hơn nhận xét. Đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi sự tinh tế của giáo viên. Tuy nhiên, nếu không có giải thích và giúp phụ huynh hiểu tác dụng của việc này thì cũng sẽ khó khăn trong thực hiện, phụ huynh sẽ lo ngại về kết quả học tập của con mình, vốn vẫn thể hiện rõ ràng bằng điểm số. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn, trao đổi và biện pháp thực hiện rõ ràng để cả nhà trường, gia đình có thể làm quen và thực hiện tốt phương pháp đánh giá mới này.
Thu Hòe - Lê Vân- Thu Trang