Góp phần rộng đường dư luận, Báo Tin tức đăng tải ý kiến của học sinh, giáo viên, lãnh đạo các trường phổ thông, đại học hoặc địa phương xung quanh phương án thi này.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT: Chưa có trung tâm khảo thí độc lập thì việc tổ chức thi ra sao?
Điểm đáng lưu ý của phương án thi THPT quốc gia này là học sinh thi trên máy tính nhiều lần trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT tổ chức. Nhưng tôi băn khoăn là đến thời điểm này chưa thành lập trung tâm tâm khảo thí độc lập. Vì trung tâm khảo thí độc lập sẽ thực hiện các việc như: Làm sao có ngân hàng câu hỏi? Dù thi nhiều lần thì mức độ khó dễ của đề là như nhau, cho kết quả có độ tin cậy như nhau. Điều này sẽ quyết định đầu tư máy tính thế nào, đường truyền internet như thế nào?
Trong khi đó cách đây 5 năm, Bộ GD&ĐT nhắc đến việc thành lập các trung tâm khảo thí độc lập tại các Nghị quyết và văn bản nhấn mạnh Bộ GD&ĐT có vai trò giám sát và kiểm soát. Từ đó, các Sở GD&ĐT xét tốt nghiệp, các trường đại học tuyển sinh. Bao giờ có lộ trình để thành lập trung tâm khảo thí độc lập nhưng ai sẽ thành lập và làm thế nào để thành lập được? Và phải có 2 trung tâm khảo thí độc lập nếu không sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền.
Nếu Trung tâm khảo thí độc lập không thành lập được thì phương án thi mới không thực hiện được. Muốn thành lập được Trung tam khảo thí độc lập thì về mặt quản lý nhà nước cần có cơ chế đòn bẩy. Ví dụ, đối với Trung tâm này sẽ có 10 năm không thu thuế, cán bộ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhà nước hỗ trợ kinh phí để trung tâm hoạt động.
Mặt khác, việc thi THPT quốc gia nên được xác định với 3 mục tiêu: Xét tốt nghiệp; Lấy dữ liệu để thấy được mặt bằng đào tạo của các địa phương, địa phương nào còn yếu và cần nhà nước quan tâm đầu tư; Xét đại học. Trong đó mục tiêu số 2 là quan trọng nhất.
Xét tuyển vào đại học không phải là vấn đề của Bộ GD&ĐT mà là của các trường đại học. Vì thế các trường đại học không thể tham gia vào quy trình đổi mới phương án thi THPT quốc gia mà phải đáp ứng yêu câu tuyển sinh riêng của trường. Điều này được quy định trong Luật giáo dục mới, tự chủ đại học. Một đại học có năng lực, quyền hạn rất lớn. Trường tự xây dựng các chương trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp thì không thể không tự tuyển sinh được.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Hình thức thi trắc nghiệm có đánh giá năng lực thực chất của học sinh không?
Trước đây, việc bỏ môn Toán không thi trắc nghiệm dấy lên nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, nhấn mạnh việc không nên thi trắc nghiệm môn toán để đánh giá học sinh. Ngay chính những người làm trong lĩnh vực toán học cũng lên tiếng. Tôi cũng thấy chưa ổn. Nhiều yêu cầu về tư duy mà trắc nghiệm không thể đánh giá đúng. Nhưng đến nay, với phương thức thi mới sẽ theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn, với môn ngữ văn lại càng phải bàn.
Theo tôi, kỳ thi THPT quốc gia nên xây dựng theo hướng trao chủ động cho địa phương và tăng cường giám sát bằng công nghệ. Thanh tra không cần phải xuống tận phòng thi mà có thể ngồi một chỗ xem hình ảnh kết nối qua mạng nếu lắp camera tại các điểm thi. Giá thành lắp đặt không quá cao so với việc bố trí một lực lượng lớn giám thị, thanh tra đến từng cơ sở trong kỳ thi THPT quốc gia. Giám sát coi thi bằng công nghệ thông tin và tiến hành chấm chéo sẽ hạn chế tiêu cực thi mà bộ cũng không phải can thiệp, thay đổi nhiều.