Ngày càng phức tạpThời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm clip học sinh đánh bạn hội đồng với những hành vi hành xử như côn đồ, bắt bạn học quỳ xuống đất, nắm tóc, tát… Cuối tháng 9/2016, ở Yên Bái, một nam sinh lớp 8 đã tự tử sau khi em bị phụ huynh của bạn đánh và làm nhục trước đám đông và bị tung clip trên mạng xã hội. Sự việc này đã gây chấn động dư luận nhưng nhiều học sinh lại chia sẻ: “Chuyện bị đánh như này là bình thường trong trường học, chỉ khác là có đưa lên mạng hay không”.
Clip đánh bạn liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip. |
Mới đây, (ngày 9/10), một nữ sinh lớp 8 tại trường THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hòa) đăng lên mạng xã hội facebook nội dung nếu đủ 1.000 lượt like của bạn bè sẽ châm lửa đốt trường. Khi đủ 1.000 like, cộng với sự kích động của bạn bè, nữ sinh này đã mang xăng đến trước phòng y tế châm lửa đốt trước sự reo hò, cổ vũ của bạn bè. Mặc dù bảo vệ nhà trường đã dập lửa, nhưng bản thân nữ sinh này đã bị bỏng hai chân, phải nhập viện điều trị.
Thời gian này, Công an huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang điều tra vụ hai nữ sinh đánh bạn bất tỉnh giữa đường vì mâu thuẫn cá nhân. Trước đó, một đoạn video clip về vụ việc này đã được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn, mạng xã hội facebook, trong đó, có cảnh hai nữ sinh đánh bạn học tới tấp; nạn nhân trong clip chỉ biết đưa tay đỡ đòn cho đến lúc bất tỉnh. Hiện tại, trường THPT Cẩm Thủy 3 đã ra quyết định đình chỉ học một năm đối với học sinh gây ra vụ việc.
Chia sẻ về thực trạng bạo lực học đường, cô Hoàng Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hà Đông, Hà Nội, cho rằng, việc kỷ luật học sinh chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn chứ chưa ngăn chặn bạo lực học đường. Những biện pháp mà ngành giáo dục đang áp dụng đối với những bạo lực học đường chủ yếu mang tính chất giáo dục, mong muốn những em trót phạm sai lầm có thêm cơ hội được sửa sai. Và chỉ khi không có cách nào khác, nhà trường mới phải đình chỉ hay đuổi học các em theo đúng quy chế.
Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy nhận định, với những vụ việc bạo lực học đường, việc xử phạt bằng cách đình chỉ hay buộc học sinh thôi học không hiệu quả. Vấn đề quan trọng là học sinh cần được trang bị kỹ năng sống và các giáo viên cần nắm bắt được đặc điểm tâm lý của học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này chưa được làm tốt trong các trường học.
Vai trò quan trọng của nhà trường
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Nghệ An, từ những vụ việc bạo lực học đường ở tỉnh Nghệ An như thời gian qua, Sở GD - ĐT đã yêu cầu các nhà trường phải phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với các cấp các ngành tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật để từ đó các em nhận thức ra được việc làm sai để tránh tái phạm.
Thầy Vũ Kiên Trung, giáo viên dạy kỹ năng sống THCS Tạ Quang Bửu, Hà Nội, cho rằng, để giảm thiểu bạo lực trong trường học, điều quan trọng là gia đình - nhà trường - xã hội phải chú trọng giáo dục thái độ và nhân cách của các em học sinh. Hạn chế cho học sinh tiếp xúc với các chương trình, hình ảnh, game mang tính bạo lực, xung đột. Nhà trường cần có những tiết học có sự tương tác giữa các em học sinh với nhau nhiều hơn, tạo các sân chơi hoạt động hướng đến sự kết nối, hoạt động cộng đồng cùng nhau, khi đó thì tình yêu thương con người sẽ được bộc lộ. Các em cần được giáo dục, huấn luyện kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm xâm hại đến bản thân. Các kênh truyền thông nên có nhiều chương trình mang tính tích cực, biểu dương “Hành động tốt” của con người hơn là những thông tin mang tính tiêu cực. Gia đình là môi trường quan trọng để đồng hành với các em. Vì vậy, bố mẹ, thầy cô cũng phải là những tấm gương để con trẻ học tập, noi theo.
Nhìn nhận từ những diễn biến bạo lực học đường ngày càng phức tạp, ông Trương Đình Chiến, Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, hiện tại, giáo viên đến lớp mới chỉ chú trọng dạy kiến thức chứ chưa chú trọng rèn kỹ năng, thái độ ứng xử cho học sinh. Thực tế, nhiều giáo viên có ứng xử đối với học sinh còn chưa chuẩn mực, lạm quyền mà không chịu bất cứ một sự quản lý chính thống nào. Do đó, ở vị trí quản lý giáo dục ngoài các văn bản chỉ đạo phòng, trường cần thường xuyên “nhắc nhở” giáo viên quan tâm học sinh.
“Cần có những giáo viên tâm lý trong trường học. Bên cạnh đó, cần có bộ quy tắc ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Như vậy, vấn đề này mới được giải quyết tận gốc”, ông Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa:
Sẽ ban hành khung quy tắc ứng xử trong trường học Bộ GD - ĐT sẽ ban hành khung quy tắc ứng xử và khẩu hiệu được thống nhất sử dụng trong toàn quốc, sẽ chia làm khối mầm non, khối tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, cao đẳng. Bộ cũng chuẩn bị ban hành Thông tư quy định tổ chức hoạt động văn hóa và ứng xử văn hóa cho học sinh sinh viên trong các nhà trường nhằm quy định và hướng dẫn tổ chức nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên. Hướng tới các hoạt động lành mạnh phù hợp với tâm lý từng lứa tuổi để bồi đắp tinh thần hướng thiện cho học sinh, sinh viên. Các địa phương cũng cần cụ thể hóa các nội dung trên cơ sở khung quy tắc ứng xử mà Bộ GD - ĐT quy định để ban hành, chỉ đạo áp dụng triển khai tại các cơ sở giáo dục. Các nhà trường tổ chức xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử tuyên truyền đầy đủ đến từng cán bộ, nhà giáo và người học nội dung quy tắc ứng xử để thực hiện. Bộ GD - ĐT sẽ tăng cường kiểm tra và giám sát quá trình triển khai thực hiện những quy định này. |